1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Dân sự

Kiện đòi tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành

10702 Dân sự

Kiện đòi tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành
MỤC LỤC

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt tại các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, thành phố Vĩnh Yên, các vụ kiện đòi lại tài sản diễn ra với số lượng khá nhiều và đa dạng. Dưới góc độ pháp lý, kiện đòi lại tài sản là một trong ba phương thức kiện dân sự để bảo vệ quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015

Vậy cụ thể theo quy định của BLDS, kiện đòi tài sản là gì? Quy định của pháp luật về phương pháp kiện đòi tài sản như thế nào? Hãy cùng Luật sư Công ty Luật TNHH Youth & Partners tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

1. Phương thức kiện đòi lại tài sản 

Kiện đòi lại tài sản là một phương thức kiện dân sự , theo đó chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc người có hành vi chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật phải trả lại tài sản cho mình. Quyền đòi lại tài sản được quy định tại Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015: “1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”.

2. Đặc điểm của phương thức kiện đòi lại tài sản

Một là, kiện đòi lại tài sản là biện pháp áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản bị mất quyền chiếm hữu đối với tài sản của mình.

Hai là, người bị kiện phải là người đang thực tế chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản. Tài sản chỉ có thể được trả lại khi người chiếm hữu tài sản đó đang kiểm soát tài sản mà mình không có thực quyền.

Ba là, đối tượng của kiện đòi lại tài sản phải là vật đang có thực, đang còn tồn tại trên thực tế. 

3. Chủ thể tham gia quan hệ kiện đòi tài sản

Chủ thể của phương thức kiện đòi lại tài sản bao gồm chủ thể có quyền khởi kiện (nguyên đơn) và chủ thể bị khởi kiện (bị đơn).

* Chủ thể có quyền kiện đòi tài sản: Theo Điều 166 Bộ luật dân sự 2015 thì người kiện đòi lại tài sản phải là chủ sở hữu của tài sản và chứng minh quyền sở hữu của mình đối với tài sản. Người kiện đòi lại tài sản cũng có thể là người có quyền khác đối với tài sản thông qua những căn cứ xác lập quyền được pháp luật quy định.

- Chủ sở hữu tài sản: Để được coi là chủ sở hữu tài sản, tài sản phải được xác lập trên các căn cứ do pháp luật quy định. Tuy nhiên trên thực tế không phải chủ thể nào cũng có quyền sở hữu đối với một số loại tài sản nhất định.

- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản: Quyền khác đối với tài sản được quy định tại Điều 159 Bộ luật dân sự 2015: “1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

a) Quyền đối với bất động sản liền kề;

b) Quyền hưởng dụng;

c) Quyền bề mặt”.

Trên thực tế, việc nắm giữ, quản lý tài sản có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào, tuy nhiên, pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể chiếm hữu nếu việc chiếm hữu đó dựa trên cơ sở pháp lý do pháp luật quy định. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc kiểm soát tài sản dựa trên các quy định của pháp luật và được quy định tại Điều 165 Bộ luật dân sự 2015. Như vậy, quyền chiếm hữu của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp được pháp luật thừa nhận, bảo vệ. Khi bị xâm phạm, họ có quyền yêu cầu Tòa án xét xử để đòi tài sản từ người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Khi tham gia tố tụng, người kiện đòi tài sản phải chứng minh tư cách sở hữu, chiếm hữu hợp pháp đối với vật đang bị chiếm giữ bất hợp pháp.

* Chủ thể bị khởi kiện: Theo Khoản 1 Điều 166 Bộ luật dân sự năm 2015, người bị kiện có thể là một trong những chủ thể sau: người chiếm hữu, sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản có thể là người có hành vi trái pháp luật như trộm cắp tài sản hoặc nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà không thông báo công khai, không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền, cũng có thể là người thứ ba đã nhận chuyển giao tài sản qua một giao dịch với người không có quyền định đoạt tài sản... Khi tài sản rời khỏi chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp ngoài ý chí của họ thì người đang chiếm hữu thực tế đều phải trả lại tài sản, ngoài ra “...phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” Khoản 1 Điều 581 Bộ luật dân sự 2015.

4. Đối tượng của kiện đòi lại tài sản

Khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tuy vậy do đặc thù của phương thức kiện đòi lại tài sản nên không phải tất cả những tài sản trên đều là đối tượng của kiện đòi lại tài sản. 

Vật trong kiện đòi lại tài sản chỉ bao gồm vật có thực và đang còn tồn tại trên thực tế. Vật là đối tượng của kiện đòi lại tài sản hiện còn tồn tại có thể là vẫn còn nguyên ở trạng thái ban đầu hoặc về cơ bản vẫn còn nhưng đã bị giảm sút hoặc gia tăng về giá trị. Nếu vật không còn tồn tại do đã bị mất hoặc bị tiêu hủy thì không thể áp dụng phương thức kiện đòi lại tài sản được.

Tiền là đối tượng của kiện đòi lại tài sản khi chủ sở hữu biết rõ số seri của những tờ tiền đó mà hiện đang bị người khác chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Đối với trường hợp tiền đã được bao gói niêm phong mà bị người khác chiếm hữu trái pháp luật và hiện số tiền đó vẫn còn nguyên bao gói thì việc kiện đòi lại tài sản ở đây là kiện đòi lại tài sản là vật chứ không phải là tiền.

Giấy tờ có giá có thể là đối tượng của kiện đòi lại tài sản. Giấy tờ có giá chính là giấy tờ minh chứng cho quyền tài sản vô danh, giá trị của giấy tờ chính là giá trị của quyền tài sản mà nó minh chứng.

Quyền tài sản là loại tài sản vô hình, do vậy không thể thực hiện quyền chiếm hữu đối với loại tài sản này. Căn cứ vào đặc điểm của phương thức kiện đòi lại tài sản thì quyền tài sản không phải là đối tượng của phương thức này.

5. Các trường hợp áp dụng kiện đòi lại tài sản 

Trước hết, kiện đòi lại tài sản được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện sau: Thứ nhất, tài sản phải hiện còn. Thứ hai, tài sản rời khỏi chủ sở hữu không theo ý chí của họ hoặc tài sản rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của họ nhưng người thứ ba có được tài sản thông qua giao dịch với người không có quyền định đoạt tài sản. Thứ ba, phải xác định được người đang thực tế chiếm hữu tài sản.

a. Kiện đòi lại tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu

Khoản 2 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 chia tài sản thành động sản và bất động sản theo cách liệt kê. Tùy thuộc vào tính chất, giá trị tài sản cũng như cơ chế pháp lý điều chỉnh mà động sản được chia thành động sản phải đăng ký quyền sở hữu và động sản không phải đăng ký quyền sở hữu.

Trên thực tế, đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì rất khó để xác định tài sản đó thuộc về ai, nếu chúng không có các dấu hiệu đặc biệt mà chỉ riêng chủ sở hữu vật đó mới có. Do đó, khi tham gia các giao dịch dân sự, người thứ ba có thể nhận được tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người không phải là chủ sở hữu đích thực, hoặc từ người không có quyền định đoạt đối với tài sản mà không biết. Vì thế, việc chiếm hữu của người thứ ba trong trường hợp này có thể là chiếm hữu ngay tình hoặc không ngay tình.

Quy định tại Điều 167 Bộ luật dân sự năm 2015 điều chỉnh một cách hài hòa quyền lợi của chủ sở hữu và người chiếm hữu ngay tìnhtheo đó, trong các trường hợp tài sản do người lấy cắp, lừa đảo,... chiếm giữ hoặc do người chiếm hữu, sử dụng tài sản theo ý chí của chủ sở hữu thì chủ sở hữu đương nhiên có quyền đòi lại. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản bị chuyển giao cho người thứ ba mà người này không biết người chuyển giao tài sản đó cho mình là người không có quyền định đoạt tài sản, ở mức độ nhất định, họ được pháp luật bảo vệ. Theo đó, chủ sở hữu có quyền kiện đòi lại tài sản động sản không phải đăng ký quyền sở hữu nếu đáp ứng được một trong các điều kiện sau:

Thứ nhất, tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu rời khỏi chủ sở hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu như tài sản bị chiếm đoạt trái pháp luật như bị trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên. Khi tài sản rời khỏi chủ sở hữu trái với ý chí của họ thì cho dù người thứ ba chiếm hữu ngay tình và có được tài sản thông qua hợp đồng có đền bù, chủ sở hữu vẫn có quyền đòi lại tài sản. 

Thứ hai, tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của chủ sở hữu, người đang chiếm hữu không có căn cứ pháp luật có tài sản thông qua một giao dịch không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản. Hợp đồng không có đền bù là hợp đồng mà chỉ một bên nhận được lợi ích vật chất từ bên kia và không phải thanh toán lại một lợi ích vật chất tương ứng.

Trường hợp này có nghĩa là tài sản rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của chủ sở hữu thông qua một hợp đồng cho thuê, mượn, cầm cố,.. sau đó người chiếm hữu hợp pháp định đoạt tài sản đó cho người thứ ba ngay tình thông qua hợp đồng không có đền bù, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản. 

b. Kiện đòi lại tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản

Việc xác định chủ sở hữu của tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản tương đối dễ dàng. Vì vậy, khi tham gia các giao dịch dân sự có tính chất chuyển dịch tài sản mà tài sản được chuyển dịch là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản thì người nhận chuyển dịch cần kiểm tra người chuyển dịch tài sản cho mình có phải là chủ sở hữu hay người được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp không. Ngoài ra khi hoàn tất giao dịch, người nhận chuyển dịch còn phải tiến hành các thủ tục sang tên theo quy định tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì quyền sở hữu (hoặc quyền sử dụng) của họ mới được nhà nước công nhận và bảo hộ.

Theo đó Điều 168 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, đối với tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản thì theo nguyên tắc, người thứ ba ngay tình phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu khi bị kiện đòi, trừ trượng hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 133 Bộ luật này.

6. Thời hiệu kiện đòi lại tài sản

Kiện đòi lại tài sản là trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Do vậy, khi quyền sở hữu bị xâm phạm, chủ sở hữu bị mất quyền chiếm hữu đối với tài sản của mình thì chủ sở hữu có quyền kiện đòi lại tài sản bất cứ lúc nào mà không bị giới hạn về mặt thời gian, trừ trường hợp người chiếm hữu đó đã được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản theo thời hiệu.

7. Các trường hợp không được kiện đòi lại tài sản

a. Tài sản là động sản không phải  đăng ký quyền sở hữu rời khỏi chủ sở hữu theo ý chí của chủ sở hữu, người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua hợp đồng có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản

Trường hợp này được quy định tại Điều 167 Bộ luật dân sự năm 2015 Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình.

Nghĩa là chủ sở hữu chuyển giao chuyển giao tài sản cho người chiếm hữu hợp pháp thông qua hợp đồng cho thuê, mượn, cầm cố, đặt cọc…Sau đó người này lại định đoạt tài sản đó cho người thứ ba thông qua hợp đồng có đền bù như hợp đồng mua bán, trao đổi tài sản….mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Pháp luật quy định trong trường hợp này chủ sở hữu không được quyền kiện đòi lại tài sản, nhưng chủ sở hữu có quyền kiện yêu cầu người đã giao kết hợp đồng với mình phải bồi thường thiệt hại vì đây là trách nhiệm theo hợp đồng. Hay nói cách khác, tranh chấp giữa chủ sở hữu với người đã giao kết hợp đồng với chủ sở hữu sẽ được giải quyết theo quy định về hợp đồng dân sự.

Người chiếm hữu được coi là ngay tình khi không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật. Nếu người thứ ba chiếm hữu mà không ngay tình thì chủ sở hữu vẫn được quyền kiện đòi lại tài sản.

Trong quan hệ pháp luật này, lợi ích vật chất của chủ sở hữu và người đang thực tế chiếm giữ vật là người chiếm hữu ngay tình đều được pháp luật bảo vệ một cách thỏa đáng. Quy định này nhằm yêu cầu các chủ thể khi tham gia giao dịch phải thận trọng hơn khi xác lập giao dịch, đồng thời bảo vệ lợi ích của người thứ ba ngay tình, tránh được sự thông đồng giữa chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp để gây thiệt hại cho người thứ ba, góp phần bảo đảm tính ổn định, thúc đẩy sự phát triển của các giao lưu dân sự.

b. Tài sản là động sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc bất động sản mà người chiếm hữu nhận được thông qua bán đấu giá

Người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản thông qua bán đấu giá là người đã mua được tài sản bán đấu giá từ một cuộc bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản mà không biết và không thể biết được về nguồn gốc, tình trạng pháp lý của tài sản bán đấu giá thì người mua được coi là chiếm hữu ngay tình. Chủ sở hữu không được kiện đòi tài sản trong trường hợp này. 

Mặt khác, cũng theo quy định này, “trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá” nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó có sự vi phạm thì người thứ ba ngay tình sẽ không được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đã mua dù không biết sự vi phạm về trình tự, thủ tục của tổ chức bán đấu giá. 

c. Tài sản là động sản phải đăng kí quyền sở hữu hoặc bất động sản mà người chiếm hữu nhận được thông qua giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người thứ ba chiếm hữu ngay tình không phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu với điều kiện: người thiết lập giao dịch với người là chủ sở hữu tài sản theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải là người chiếm hữu ngay tình. Người này không biết và không thể biết người thiết lập giao dịch với mình không phải là chủ sở hữu tài sản. Giao dịch được thiết lập giữa người thứ ba chiếm hữu ngay tình với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản. Do bản án, quyết định bị hủy, sửa nên người thiết lập giao dịch với người thứ ba ngay tình không còn là chủ sở hữu tài sản nữa. Những trường hợp này, các bên thiết lập giao dịch không có lỗi. Ngược lại, lỗi thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền trừ những trường hợp hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Do vậy, cơ quan có lỗi phải chịu trách nhiệm theo Điều 598 Bộ luật dân sự năm 2015.

d. Tài sản là đối tượng của vụ kiện đã được xác lập quyền sở hữu cho người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình theo thời hiệu

Thời hiệu có ý nghĩa pháp luật quan trọng trong các quan hệ dân sự, được quy định tại Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015.

Điều 236 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự mà cụ thể là quyền được xác lập quyền sở hữu đối với một tài sản khi đáp ứng được những điều kiện nhất địnhtheo đó khi quyền sở hữu của người chiếm hữu đã được xác lập thì cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt quyền sở hữu đối với người có tài sản bị chiếm hữu. Do vậy, đối với trường hợp người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đã được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu thì chủ sở hữu mất quyền kiện đòi lại tài sản. Hay nói cách khác, khi tài sản là đối tượng của vụ kiện đòi lại tài sản đã được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu thì chủ sở hữu không còn quyền kiện đòi lại tài sản đó.

Tuy nhiên, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản chỉ được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu khi thỏa mãn các điều kiện sau: Việc xác lập theo thời hiệu chỉ áp dụng đối với trường hợp người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, tức là chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 165 Bộ luật dân sự năm 2015; việc chiếm hữu phải là ngay tình; việc chiếm hữu tài sản phải liên tục theo; việc chiếm hữu tài sản phải công khai; về thời gian, việc chiếm hữu tài sản phải  thực hiên trong khoảng thời gian 10 năm kể từ ngày bắt đầu chiếm hữu đối với tài sản là động sản, 30 năm kể từ này chiếm hữu đối với tài sản là bất động sản.

8. Khuyến nghị của Y&P

Kiện đòi lại tài sản là việc chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp yêu cầu tòa án buộc người có hành vi chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho mình, thực hiện theo thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật. Nếu có nhu cầu kiện đòi lại tài sản hoặc cần biết thêm thông tin về vấn đề pháp lý này, hãy liên hệ Luật sư theo địa chỉ dưới đây, Công ty Luật TNHH Youth & Partners luôn sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng.

LS Hoàng Hồng Mơ

 

 


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc