Ngày 20 tháng 7 năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng, thay thế Luật Công chứng năm 2006 và đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.
Luật Công chứng năm 2014 có 10 chương và 81 điều, trong đó có nhiều quy định đáng chú ý như mở rộng phạm vi công chứng; tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, về tổ chức hành nghề công chứng… Cụ thể như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2, Điều 61, Điều 77 Luật Công chứng năm 2014 công chứng viên ngoài việc chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch còn chứng nhận cả bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại. Bên cạnh đó, công chứng viên cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Về công chứng viên cũng có điểm mới, Luật Công chứng năm 2014 quy định rõ hơn về địa vị pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của công chứng viên. Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, Luật Công chứng quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn công chứng viên, quy định thời gian đào tạo nghề công chứng là mười hai tháng; quy định người được miễn đào tạo nghề công chứng phải tham gia khóa bồi dưỡng với thời gian là 03 tháng trước khi đề nghị bổ nhiệm, được giảm một nửa thời gian tập sự và cũng phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; bổ sung quy định về bổ nhiệm lại; bổ sung một số quyền và nghĩa vụ đối với công chứng viên.
Về tổ chức hành nghề công chứng, theo quy định tại Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 thì Văn phòng công chứng phải do hai công chứng viên trở lên thành lập, được tổ chức và hoạt động hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Tên gọi của Văn phòng được đặt theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫm với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bên cạnh đó, Luật Công chứng năm 2014 còn quy định rất cụ thể về việc Văn phòng công chứng có quyền thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng, được chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập, thay đổi thành viên hợp danh… Tổ chức hành nghề công chứng có quyền cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, có quyền ký hợp đồng với công chứng viên… Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc…
Ngoài những quy định trên, Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bổ sung nhiều quy định mới như nguyên tắc hành nghề, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên, giá trị pháp lý của văn bản công chứng, quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, phí công chứng, thù lao công chứng.
Như vậy, bước sang năm 2015, người dân có thể lựa chọn các hình thức chứng thực bản dịch, chữ ký, bản sao từ bản chính tại các cơ quan hành chính nhà nước (UBND cấp huyện, cấp xã) hoặc tại bất cứ Phòng Công chứng/Văn phòng Công chứng nào với mức phí không đổi. Đây là quy định rất mở và rõ ràng đối tượng được hưởng lợi ích nhất từ việc này chính là Người dân.
Nguồn: Văn phòng Luật sư số 1 Vĩnh Phúc