Khi một hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là HĐLĐ) chấm dứt, có 03 loại trợ cấp mà người lao động có thể được nhận, đó là: Trợ cấp thôi việc, Trợ cấp mất việc làm và Trợ cấp thất nghiệp.
Trợ cấp thôi việc và Trợ cấp mất việc làm là 02 loại trợ cấp do người sử dụng lao động chi trả tương ứng với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động cụ thể. Trợ cấp thất nghiệp là một chế độ của Bảo hiểm Thất nghiệp và do bảo hiểm xã hội chi trả.
Vì sa thải dẫn đến hậu quả chấm dứt hợp đồng lao động nên quyền được hưởng 03 loại trợ cấp kể trên của người lao động như sau:
1. Trợ cấp mất việc làm
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 và Khoản 3 Điều 45 của Bộ luật Lao động 2012 thì trong các trường hợp:
Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Như vậy, người lao động bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải thì không thuộc các trường hợp được hưởng trợ cấp mất việc làm như nêu trên; cho nên, sẽ không được hưởng trợ cấp này.
2. Trợ cấp thôi việc
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Lao động 2012 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương khi hợp đồng lao động chấm dứt trong những trường hợp sau:
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động 2012.
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động 2012.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động 2012; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp.
Theo đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động do bị sa thải không thuộc các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc như nêu trên; cho nên, khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động do bị sa thải sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.
3. Trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ quy định tại Điều 49 của Luật Việc làm 2013 như sau:
“Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.”
Như vậy, người lao động bị sa thải nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 49 nêu trên thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài ra, người lao động bị sa thải vẫn được hưởng khoản liên quan đến quyền lợi của mình như tiền lương tháng, lương làm thêm giờ v.v và được trả lại sổ bảo hiểm xã hội và các giấy tờ người sử dụng lao động đã giữ của mình theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Bộ luật Lao động 2012.
Bất cứ khi nào bạn có nhu cầu tư vấn, hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi để được giải đáp thắc mắc miễn phí. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên tận tâm và dày dặn kinh nghiệm làm việc cùng các đối tác nước ngoài, DN FDI,… Y&P sẵn sàng cung cấp cho Quý khách hàng những dịch vụ chuyên nghiệp về Đầu tư trong nước và ngước ngoài, lao động, Doanh nghiệp - Kinh doanh -Thương mại, Đất đai, Giấy phép…