1. Home
  2. Dịch vụ pháp lý
  3. Tranh tụng và đại diện ngoài tố tụng

CÔNG TY LUẬT TƯ VẤN RÚT ĐƠN KHỞI KIỆN TẠI THÀNH PHỐ VĨNH YÊN

2885 Tranh tụng và đại diện ngoài tố tụng

CÔNG TY LUẬT TƯ VẤN RÚT ĐƠN KHỞI KIỆN TẠI THÀNH PHỐ VĨNH YÊN
MỤC LỤC

Hiện nay, đi đôi với sự phát triển về kinh tế - xã hội, các mối quan hệ dân sự cũng dần trở nên phức tạp hơn, và khởi kiện trở thành một trong những cách thức phổ biến để đương sự có thể bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khỏi bị xâm phạm. Vì vậy, đây là vấn đề được quy định rất chặt chẽ trong pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, và cùng với đó các quy định về rút đơn khởi kiện cũng được chú trọng trong từng giai đoạn của quá trình tố tụng. Để hiểu rõ hơn Công ty Luật TNHH Youth& Partners đưa ra quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong quá trình tố tụng tại Vĩnh Yên, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc.

1.     Quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành về việc người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong quá trình tố tụng ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm

1.1.         Giai đoạn trước khi thụ lý vụ án

     Căn cứ pháp lý: điểm g khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015

     Trước khi thụ lý vụ kiện mà người khởi kiện rút đơn thì sẽ được trả lại đơn khởi kiện theo thông báo trả lại đơn do Thẩm phán được Chánh án phân công xem xét đơn khởi kiện thực hiện. Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại, kiến nghị theo quy định tại Điều 194 nếu đương sự không chấp nhận và đương sự có quyền khởi kiện lại theo quy định tại khoản 3 Điều 192.

1.2.         Giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

     Căn cứ pháp lý: điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015

     Trong giai đoạn này, nếu người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, không có yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu thì thẩm phán giải quyết vụ việc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

     Trong trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với các yêu cầu đã rút, vẫn giải quyết yêu cầu còn lại khác và xem xét việc thay đổi địa vị tố tụng theo khoản 2 Điều 217.

     Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo khoản 4 Điều 217.

     Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 4 Điều 218) và các đương sự có quyền khởi kiện lại.

1.3.         Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm

     Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 244 BLTTDS 2015

     Trường hợp rút toàn bộ đơn khởi kiện, vụ án không còn yêu cầu nào giải quyết thì Hội đồng xét xử sơ thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử toàn bộ yêu cầu đã rút.

     Trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, hay nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập thì Hội đồng xét xử sơ thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phần yêu cầu đã rút, vẫn giải quyết các yêu cầu còn lại khác và xem xét việc thay đổi địa vị tố tụng theo Điều 245.

     Quyết định đình chỉ xét xử vụ án và bản án sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và nguyên đơn có quyền khởi kiện lại.


2.     Giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm

     Căn cứ pháp lý: Điều 299 BLTTDS 2015

     Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy trường hợp mà giải quyết như sau:

-     Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn.

-     Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

     Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật ngay, không bị kháng cao, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định pháp luật nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.


3.     Kiến nghị Y&P

     Thứ nhất, về thủ tục nguyên đơn rút đơn khởi kiện còn chưa hợp lý, không có sự thống nhất giữa các cấp xét xử. Nếu như trong giai đoạn xét xử sơ thẩm khi nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Tòa án có quyền chấp thuận mà không cần hỏi ý kiến của các đương sự khác. Trong khi đó, ở cấp phúc thẩm, nguyên đơn chỉ có thể rút đơn khởi kiện khi có sự đồng ý của bị đơn. Tại sao lại có sự khác biệt trong việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn ở hai cấp xét xử như vậy? Trong khi ở cả hai cấp xét xử đều có sự tham gia trực tiếp của các đương sự khác vào quá trình tố tụng.  Do đó BLTTDS cần có sự nghiên cứu, sửa đổi nhằm tạo ra sự thống nhất trong các cấp xét xử.

     Thứ hai, về vấn đề khởi kiện lại được quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 192 BLTTDS, theo đó có rất nhiều trường hợp dù đã rút yêu cầu, Tòa án đã đình chỉ, nhưng sau đó vẫn có quyền kiện lại. Tuy nhiên, ngoài nội dung được kiện lại ở Khoản 3 Điều 192 BLTTDS, Nghị quyết 04/2017 của HĐTPTANDTC còn có quy định thêm trường hợp được khởi kiện lại là "người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện" và không có quy định gì thêm về trường hợp rút một phần yêu cầu khởi kiện. Như vậy đối với những trường hợp rút một phần yêu cầu khởi kiện thì không được khởi kiện lại? Quy định này đã hợp lý hay chưa? Bởi trên thực tế, có nhiều trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện do chưa có đủ căn cứ xác đáng để khởi kiện và cần có thời gian để bổ sung hoặc giám định để khởi kiện lại chứ không phải rút để từ bỏ yêu cầu. Thiết nghĩ, quy định này nên được xem xét để điều chỉnh lại cho hợp lý, nhằm tránh trường hợp người khởi kiện buộc phải tạm thời rút yêu cầu vì lý do trở ngại khách quan mà không được kiện lại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

     Thứ ba, về vấn đề kháng cáo, kháng nghị, theo quy định tại khoản 4 Điều 218 BLTTDS thì quyết định đình chỉ có thể bị đương sự kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Quy định này chưa hoàn toàn hợp lý, bởi nếu bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo thì không có vấn đề gì nhưng nếu là nguyên đơn kháng cáo thì sao? Nguyên đơn là người yêu cầu rút đơn khởi kiện, không muốn tiếp tục giải quyết vụ án nhưng lại kháng cáo, điều này đi ngược lại, chống lại quyết định của chính mình. Và khi đó, Tòa án sẽ phải mở một phiên tòa khác để giải quyết, khiến cho quá trình tố tụng kéo dài, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của các bên đương sự khác và làm giảm hiệu suất làm việc của tòa án. Vì vậy, theo quan điểm của cá nhân em, cần quy định chi tiết rằng: “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bởi bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”

     Thứ tư, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, chưa có quy định về việc nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên tòa, nhưng bị đơn vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt thì giải quyết như thế nào? Hội đồng xét xử sẽ ngừng phiên tòa để ra văn bản hỏi ý kiến bị đơn có đồng ý hay không hay vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục mà không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Thiết nghĩ, quy định về vấn đề này cần được bổ sung để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp khi áp dụng trên thực tế. Thêm vào đó, ở giai đoạn này, BLTTDS mới chỉ đề cập đến việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn mà chưa quy định về việc bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rút lại yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của mình như ở cấp xét xử sơ thẩm. Vì xét trong từng mối quan hệ có thể coi các yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập như là đơn khởi kiện. Đây là một trong các quyền tự định đoạt của đương sự do đó để thực hiện quyền này cũng như bảo đảm sự công bằng giữa các đương sự thì BLTTDS nên có quy định việc rút yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của các đương sự khác như đối với việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.

     Thứ năm, BLTTDS cũng chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp vụ án có nhiều nguyên đơn nhưng chỉ một nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện hay những trường hợp tương tự khác sẽ giải quyết như thế nào. Đây cũng là một vấn đề cần được bổ sung để tòa án có thể áp dụng giải quyết những vụ việc trên thực tế một cách thống nhất, đồng bộ và phù hợp với những quy định khác.

LHY


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc