Kháng cáo là hoạt động tố tụng của những chủ thể theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong việc phản đối một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật để đề nghị Tòa án xét xử, giải quyết lại vụ việc dân sự. Giúp Tòa án kịp thời khắc phục những sai lầm về tố tụng hoặc nội dung liên quan đến phần bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, đảm bảo bản án, quyết định trước khi đưa ra thi hành là những bản án, quyết định đúng đắn và chính xác, giúp đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước. Tại các Toà án nhân dân trên địa bàn Vĩnh Phúc như Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Toà án nhân dân thành phố Vĩnh Yên và các huyện như Bình Xuyên, Yên Lạc…, việc kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm diễn ra khá nhiều, là căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án dân sựvà giải quyết lại việc dân sự, đảm bảo bản án, quyết định trước khi đưa ra thi hành là những bản án, quyết định đúng đắn và chính xác. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quy định về kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành để nắm rõ hơn về quy định này với Luật sư của Công ty Luật TNHH Youth & Partners!
1. Chủ thể có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
Đối với vụ án dân sự
Theo quy định tại Điều 271 BLTTDS năm 2015 thì người có quyền kháng cáo là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện.
- Thứ nhất, đối với chủ thể có quyền kháng cáo là đương sự. Đương sự có quyền kháng cáo bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và lợi ích liên quan đã được Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập tham gia tố tụng. Các chủ thể này có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án và cho rằng bản án, quyết định sơ thẩm đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Để thực hiện quyền kháng cáo thì đương sự là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Theo đó, đương sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo hoặc ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Ngoài ra, nếu đương sự có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình làm đơn kháng cáo hoặc ủy quyền cho người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức kháng cáo. Đương sự là thành viên trong hộ gia đình hoặc tổ hợp tác thì vấn đề này được quy định tại Điều 101 BLTTDS năm 2015, đương sự là tập thể người lao động trong vụ án lao động được quy định theo khoản 3 Điều 85 BLTTDS năm 2015.
- Thứ hai, đối với chủ thể có quyền kháng cáo là người đại diện hợp pháp của đương sự. Nếu BLTTDS năm 2011 chỉ quy định chung chung là người đại diện của đương sự có quyền kháng cáo thì BLTTDS năm 2015 đã quy định rõ ràng, cụ thể là người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo để khẳng định để khẳng định người đại diện hợp pháp có quyền kháng cáo bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.
- Thứ ba, đối với chủ thể có quyền kháng cáo là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện. BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm quyền kháng cáo của cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khác theo quy định tại khoản 5 Điều 187 BLTTDS năm 2015, khi cá nhân khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì họ cũng có quyền kháng cáo.
Đối với việc dân sự
Theo quy định tại Điều 371 BLTTDS năm 2015 thì người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết việc dân sự không đồng ý với cách giải quyết việc dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm thì có quyền kháng cáo quyết định đó để yêu cầu Tòa án trên một cấp trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, về người có quyền kháng cáo đối với quyết định dân sự thì Điều 371 BLTTDS năm 2015 không quy định về quyền kháng cáo của người đại diện của đương sự trong việc dân sự. Điều này là chưa thật sự hợp lý bởi đương sự trong việc dân sự có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc kháng cáo (ủy quyền kháng cáo yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển,…) trừ việc dân sự phải do chính các đương sự thực hiện (việc dân sự liên quan đến nhân thân của các đương sự). Hoặc người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan kháng cáo.
2. Đối tượng, phạm vi kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
2.1. Đối tượng của kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
Đối với vụ án dân sự
Trong quá trình giải quyết VADS, Tòa án ban hành rất nhiều văn bản tố tụng khác nhau như: quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, quyết định chuyển vụ án, quyết định trả lại đơn khởi kiện, chuyển đơn khởi kiện, quyết định hoãn phiên tòa… Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 271 và Điều 278 BLTTDS năm 2015 thì chỉ có bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được xác định là thủ tục kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm, còn những văn bản tố tụng khác không phải là đối tượng kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.
Đối với việc dân sự
Các quyết định giải quyết việc dân sự có thể bị kháng cáo bao gồm: quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu, quyết định giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp quyết định giải quyết việc dân sự là do các đương sự đạt được thỏa thuận và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó thì các quyết định này không bị kháng cáo. Cụ thể là: Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
2.2. Phạm vi của kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
Về cơ bản, kháng cáo theo quy định của BLTTDS năm 2015 không có sự thay đổi so với phạm vi kháng cáo theo quy định của BLTTDS năm 2011, đó là người kháng cáo có quyền kháng cáo toàn bộ hoặc kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.
Về nguyên tắc, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo. Điều này có nghĩa các đương sự chỉ có quyền kháng cáo về những nội dung đã được giải quyết ở Tòa cấp sơ thẩm. Còn trong trường hợp đương sự kháng cáo những nội dung mới chưa được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm thì sẽ không được chấp nhận vì trình tự tiến hành xét xử phúc thẩm khác với trình tự xét xử sơ thẩm, bản án của Tòa án cấp phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay, nên nếu cấp phúc thẩm giải quyết luôn những yêu cầu mới này sẽ vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đưng sự.
3. Hình thức, thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
3.1. Hình thức kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
Về hình thức kháng cáo, theo quy định tại Điều 272 BLTTDS năm 2015 thì khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây: Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo; Kháng cáo toàn bộ hoặc một phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo; Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo. Ngoài ra, nhằm hiện đại hóa các hoạt động của Tòa án cũng như bảo đảm mọi người đều tiếp cận công lý một cách thuận lợi thì việc kháng cáo, nhận, xử lý đơn kháng cáo được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Vì vậy, trong đơn kháng cáo ngoài việc ghi tên, địa chỉ của người kháng cáo như trước đây thì khoản 1 Điều 272 BLTTDS năm 2015 quy định trong đơn kháng cáo ghi rõ số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo để Tòa án thực hiện việc xác nhận, xử lý đơn kháng cáo bằng phương thức trực tuyến.
Vấn đề về hình thức kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự chưa được quy định tại điều luật riêng, tuy nhiên theo tinh thần tại đoạn 2 Điều 361 BLTTDS năm 2015 quy định về phạm vi áp dụng thì trường hợp mà Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự, do đó hình thức kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự sẽ tương tự như hình thức kháng cáo được quy định tại Điều 272 BLTTDS năm 2015.
3.2. Thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
Đối với vụ án dân sự
Theo quy định tại Điều 273 BLTTDS năm 2015 thì thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
Đối với việc dân sự
Nhằm đảm bảo cho đương sự có đủ thời gian cần thiết để suy nghĩ và quyết định xem mình có nên kháng cáo hay không cũng như để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì khoản 1 Điều 372 BLTTDS năm 2015 đã nâng thời hạn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm đối với quyết định giải quyết việc dân sự từ 07 ngày lên 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Trong trường hợp họ không có mặt tại phiên họp xét đơn yêu cầu thì thời hạn 10 ngày được tính từ ngày họ nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết. Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày cuối tuần (thứ 7, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kháng cáo kết thúc vào lúc 24h ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo là ngày tiếp theo của ngày được xác định.
3.3. Kháng cáo quá hạn và giải quyết kháng cáo quá hạn
Về nguyên tắc, việc kháng cáo phải được thực hiện trong thời hạn theo quy định của pháp luật, nếu quá hạn thì kháng cáo bị coi là không hợp lệ và không được chấp nhận. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế cuộc sống, có những trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan như thiên tai, lũ lụt, do ốm đau, tai nạn phải nằm viện điều trị… dẫn đến người kháng cáo không thể thực hiện việc kháng cáo trong thời hạn kháng cáo theo quy định của pháp luật. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người kháng cáo trong những trường hợp này, Tòa án có thể chấp nhận kháng cáo quá hạn. Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn được quy định tại Điều 275 BLTTDS năm 2015. Theo đó, BLTTDS năm 2015 vẫn tiếp tục giữ nguyên các quy định về khái niệm kháng cáo quá hạn, thành lập Hội đồng phúc thẩm gồm 03 thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn, trình tự, thủ tục xem xét kháng cáo quá hạn như trong BLTTDS năm 2011. Tuy nhiên, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm quy định về trình tự mở phiên họp xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện VKS cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Quy định này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện VKS tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo quá hạn.
Đối với việc kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự, Điều 372 BLTTDS năm 2015 không có quy định về kháng cáo quá hạn. Do đó chúng ta vẫn áp dụng theo tinh thần tại khoản 2 Điều 361 BLTTDS năm 2015 để giải quyết vấn đề này.
4. Thủ tục kháng cáo, tiếp nhận kháng cáo, thông báo về việc kháng cáo
4.1. Thủ tục kháng cáo
Kháng cáo phải được lập thành văn bản do những chủ thể có thẩm quyền ký, phải có đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; đơn kháng cáo phải được gửi đến Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án sơ thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự để Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật; kèm theo đơn kháng cáo, các chủ thể có quyền kháng cáo cung cấp cá tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp.
4.2. Thủ tục tiếp nhận kháng cáo
Thủ tục tiếp nhận kháng cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn kháng cáo và ngày kháng cáo. Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Bộ luật này
4.3. Thông báo về việc kháng cáo
Theo quy định tại Điều 277 BLTTDS năm 2015 thì sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay bằng văn bản cho VKS cùng cấp và đương sự có liên quan đến kháng cáo biết về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm theo đơn kháng cáo. Đương sự có liên quan đến kháng cáo được thông báo về việc kháng cáo có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung kháng cáo cho Tòa án cấp phúc thẩm. Văn bản nêu ý kiến của họ được đưa vào hồ sơ vụ án.
Vấn đề này đối với việc kháng cáo giải quyết việc dân sự cũng áp dụng theo tinh thần tại Điều luật trên do chưa có Điều luật riêng quy định.
5. Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
5.1. Thay đổi, bổ sung kháng cáo
BLTTDS năm 2015 đã có sự kế thừa, tiếp thu và bổ sung các quy định của BLTTDS năm 2011 và Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2013 của Hội đồng thẩm phán TANDTC khi đã chia việc thay đổi, bổ sung kháng cáo thành hai trường hợp: trường hợp khi chưa hết thời hạn kháng cáo và trường hợp khi đã hết thời hạn kháng cáo. Việc phân biệt như vậy là cần thiết, giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự cũng như phù hợp với thực tiễn xét xử.
Khi thời hạn kháng cáo chưa hết thì có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo không bị giới hạn bởi phạm vi kháng cáo ban đầu. Quy định này là cần thiết giúp đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự, ngoài ra nó còn phù hợp với thực tế vì khi thời hạn kháng cáo vẫn còn nếu chỉ hạn chế việc thay đổi, bổ sung trong phạm vi kháng cáo là không phù hợp. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc thay đổi, bổ sung kháng cáo khi chưa hết thời hạn kháng cáo có thể vượt qua phạm vi kháng cáo ban đầu nhưng việc thay đổi, bổ sung đó phải nằm trong phạm vi của bản án, quyết định sơ thẩm nhằm đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử.
Còn trong trường hợp thời hạn kháng cáo đã hết thì vẫn có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu. Quy định này vẫn đảm bảo được quyền tự định đoạt của đương sự cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khác. Bởi vì, những đương sự này đã được thông báo về nội dung kháng cáo cũng như các tài liệu, chứng cứ bổ sung để họ có thể chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ và việc tranh tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm. Do vậy, nếu Tòa án chấp nhận việc thay đổi kháng cáo vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu sẽ làm cho các đương sự khác rơi vào thế bị động, không đảm bảo cho các đương sự thực hiện việc tranh tụng với các nội dung mới này.
5.2. Rút kháng cáo
Về việc rút kháng cáo, trước khi bắt đầu phiên tòa, phiên họp hoặc tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử, giải quyết việc dân sự phúc thẩm đối với những phần của vụ án, việc dân sự mà người kháng cáo đã rút kháng c 6. Hậu quả của việc kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
- Thứ nhất, khi có kháng cáo thì bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo chưa được đưa ra thi hành trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Thứ hai, kháng cáo sẽ làm phát sinh quyền xem xét lại nội dung bị kháng cáo và giới hạn việc thực hiện thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm.
- Thứ ba, trong trường hợp không có kháng cáo thì bản án, quyết định sơ thẩm hoặc những phần của bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo.
LS Hoàng Hồng Mơ