Tại Vĩnh Phúc, có thể kể đến một số địa phương xảy ra tình trạng UBND cấp xã giao đất cho người dân không đúng thẩm quyền như huyện Yên Lạc, huyện Bình Xuyên… Việc giao đất không đúng thẩm quyền không chỉ gây tâm lý hoang mang cho người dân mà còn ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của nhân dân đối với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Để đảm bảo lợi ích cho người dân, pháp luật quy định trường hợp nếu đủ điều kiện thì người dân vẫn có thể thực hiện các thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Vậy các điều kiện đó là gì? Công ty Luật TNHH Youth & Partners sẽ giải đáp qua bài viết sau đây.
1. UBND cấp xã có thẩm quyền giao đất không?
Khoản 3 Điều 59 Luật đất đai năm 2013 quy định:
“ 3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.”
Khoản 1 Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ- CP quy định:
“1. Đất giao không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều này bao gồm các trường hợp người đứng đầu điểm dân cư giao đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng nhưng đã tự phân phối, bố trí cho cán bộ, công nhân viên, xã viên để sử dụng làm nhà ở và các mục đích khác.”
Theo các quy định pháp luật trên, UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. Ngoài trường hợp này mà UBND cấp xã tiến hành giao đất cho người dân thì sẽ thuộc trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền.
Hành vi sai phạm này xuất phát từ phía cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước nên để đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân, pháp luật đã có quy định về việc xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là “GCN”) cho người dân nếu đảm bảo các điều kiện.
2. Điều kiện để được cấp GCN QSDĐ
Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ- CP quy định:
“2. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.
…
4. Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.”
Tại Điều 18 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT giải thích cụ thể như sau:
“ 5. Việc cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được thực hiện như sau:
a) Làm rõ và xử lý trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể và chỉ cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trường hợp giao đất làm nhà ở thì chỉ cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân không có đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở được giao không đúng thẩm quyền”.
Khoản 1 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP giải thích về sử dụng đất ổn định:
“1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận)”
Như vậy, để được cấp GCN với đất được giao không đúng thẩm quyền thì cần đáp ứng các điều kiện sau:
· Đất đã được sử dụng ổn định
Khái niệm sử dụng đất ổn định có thể hiểu rằng: người có yêu cầu xin cấp GCN đã sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính, tức là với mỗi mục đích sử dụng đất là hình thức, cách thức sử dụng đất tương ứng, ví dụ như đất sử dụng vào mục đích là đất ở thì trên thực tế phải sinh sống, xây dựng nhà ở, công trình trên đất; đất sử dụng vào mục đích là đất trồng cây lâu năm thì trên thực tế đã phải trồng cây lâu năm….
· Không có tranh chấp;
· Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
· Phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
· Chỉ được giao đất để làm nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân không có đất ở, nhà ở nào khác trong cùng địa bàn.
Trên đây là giải đáp của Công ty Luật TNHH Youth & Partners về việc đất được UBND cấp xã giao trái thẩm quyền ở Vĩnh Phúc có được cấp GCN không. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn trực tiếp.
NTQ