1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Sở hữu trí tuệ

Một số biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay

4061 Sở hữu trí tuệ

Một số biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay
MỤC LỤC

Quyền sở hữu trí tuệ là một quyền dân sự được nhà nước ghi nhận và bảo vệ bằng việc quy định cụ thể trong pháp luật. Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và khi có xảy ra hành vi xâm phạm quyền, tùy theo tính chất, mức độ nguy hại của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý theo các biện pháp khác nhau. Một trong số đó là xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính. Công ty Luật TNHH Youth & Partners sẽ cung cấp quy định về biện pháp này cùng quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả chúng tôi giải quyết các yêu cầu sau đây.

1.CƠ SỞ PHÁP LÝ

- Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 và 2019

- Bộ luật dân sự 2015

- Nghị định 22/2018 – NĐ/CP

2. Các biện pháp hành chính trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện nay 

Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 211 của Luật SHTT, theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện. Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả phải tuân theo quy định của Luật SHTT và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nói chung, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT nói riêng. Các biện pháp hành chính được áp dụng nhằm xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bao gồm: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm và xử phạt hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả. Trong những trường hợp được pháp luật quy định, có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. Mỗi hành vi xâm phạm quyền SHTT, người thực hiện hành vi bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như: tịch thu hàng hoá giả mạo về SHTT, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về SHTT

Biện pháp hành chính sử dụng sức mạnh quyền lực của các cơ quan hành chính thông qua các quyết định hành chính để xử lý các vi phạm hành chính - là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, về lý luận, những hành vi xâm phạm lợi ích tư giữa các cá nhân, tổ chức sẽ được giải quyết bằng biện pháp dân sự. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, các hành vi xâm phạm quyền SHTT chủ yếu được giải quyết bằng biện pháp hành chính. Điều này có thể giải thích bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan. Trước hết là xuất phát từ tâm lý của chủ thể quyền SHTT không muốn tham gia tranh tụng tại tòa án và tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào tòa án. Điều này cũng xuất phát từ những ưu điểm và hạn chế của việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự và bằng biện pháp hành chính ở Việt Nam hiện nay. Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính trực tiếp hướng tới mục đích đảm bảo sự quản lý của Nhà nước về SHTT, chấm dứt sự xâm phạm quyền SHTT, răn đe và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong tương lai chứ không hướng đến mục đích bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền SHTT. Các khoản tiền phạt được nộp vào ngân sách nhà nước, chủ thể quyền SHTT không được hưởng. So với biện pháp dân sự, thiệt hại của chủ thể quyền SHTT không được đền bù thỏa đáng. Do đó, nếu chủ thể quyền hướng tới việc đòi bồi thường thiệt hại thì biện pháp hành chính sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu này. Mặt khác, vai trò của các cơ quan hành chính có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT không thể thay thế vai trò của các cơ quan tư pháp, do đó, tính răn đe trong việc xử lý hành chính thường là không đủ mạnh và không giải quyết được tận gốc vấn đề tranh chấp. Một số vụ xâm phạm quyền SHTT không thể giải quyết bầng biện pháp hành chính mà phải giải quyết bằng biện pháp dân sự. Ngoài ra, thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính được trao cho nhiều cơ quan chức năng khác nhau, trên thực tế các cơ quan này chưa có sự kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng nên còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chồng chéo về thẩm quyền. Cũng không thể không nói đến năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi quyền SHTT, vừa ít về số lượng, vừa không được đào tạo chuyên sâu về SHTT để có thể sẵn sàng giải quyết các hành vi xâm phạm quyền SHTT ở mức độ tinh vi, phức tạp. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp cán bộ thực thi quyền SHTT thiếu trách nhiệm, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Bên cạnh những hạn chế đó, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là cần thiết và khi được kết hợp một cách hợp lý với các biện pháp dân sự, hình sự sẽ góp phần mang lại hiệu quả cao cho hoạt động thực thi quyền SHTT

Thứ nhất, nhanh chóng và chi phí thấp. Trong trường hợp nếu chủ thể quyền hướng tới mục đích chấm dứt nhanh hành vi xâm phạm quyền SHTT của mình mà không yêu cầu bồi thường thiệt hại thì yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính là giải pháp tốt. 

Thứ hai, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính không cao, nhận thức về quyền SHTT còn hạn chế. Trong trường hợp nếu thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT không lớn, hoặc tổng thiệt hại có thể là lớn nhưng hành vi xâm phạm được thực hiện bởi nhiều hộ kinh doanh cá thể hoặc các doanh nghiệp nhỏ thì nếu khởi kiện dân sự, mức bồi thường sẽ không cao, nhiều khi không đủ bù đáp các chi phí tham gia tranh tụng, hoặc/và việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án cũng không dễ dàng. 

Thứ ba, thủ tục giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại tòa án nhìn chung là kéo dài và phức tạp, tốn kém. 

Thứ tư, sự quá tải của tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự nói chung, và trong chừng mực nào đó sự thiếu kinh nghiệm xử lý các tranh chấp liên quan tới quyền SHTT, một lĩnh vực khá mới và rất phức tạp cũng có thể đem đến những kết quả không thực sự như chủ thể quyền mong muốn.

Ngoài ra, trong biện pháp hành chính, các cơ quan nhà nước được trao quyền chủ động thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật SHTT, điều này sẽ góp phần không nhỏ cho việc thực thi quyền SHTT trong điều kiện phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam còn chưa có ý thức tự bảo vệ quyền SHTT của mình.

3. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp này

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Tòa án, Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó, việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Hệ thống các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ hiện nay bị coi là quá phức tạp, nhiều đầu mối. Có cơ quan được trao thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng thực tế không có điều kiện để tổ chức thực hiện (Ủy ban nhân dân cấp huyện); có cơ quan không xác định được trách nhiệm giữa thẩm quyền được trao thêm (thẩm quyền xử phạt hành chính) với nhiệm vụ theo chức năng thường xuyên (nhiệm vụ điều tra, xác minh của cơ quan công an). Trong khi đó, phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan còn có sự trùng lặp, chồng chéo nhau.

Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cần thiết phải thực hiện rà soát, đánh giá hiệu lực, hiệu quả và sự phù hợp của hệ thống tổ chức và cơ cấu bộ máy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện có để làm căn cứ xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, phân công lại trong bộ máy. Việc sắp xếp, phân công lại bộ máy các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính cần đảm bảo theo hướng thu gọn đầu mối, phù hợp với tính chất dân sự của quyền sở hữu trí tuệ, xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các quan hệ dân sự về sở hữu trí tuệ. Việc thu gọn đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính cần được thực hiện đồng thời với việc phân định rõ thẩm quyền của mỗi cơ quan và tăng cường chất lượng hoạt động trên cơ sở thực hiện chuyên môn hóa về tổ chức và nhân sự trong các cơ quan này. Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, chuyên môn giữa cơ quan xác lập quyền với các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giữa các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với nhau nhằm tạo sự nhất quán trong nhận định và cách thức xử lý các vụ việc có cùng bản chất. Các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng cần công bố công khai các vụ việc được xử lý, các trường hợp xâm phạm điển hình, qua đó, rút kinh nghiệm trong hoạt động của mỗi cơ quan.

4. Khuyến nghị của Y&P

Qua việc tìm hiểu chúng ta đã phần nào có được cái nhìn bao quát và đầy đủ hơn những quy định của pháp luật về quyền tác giả, cơ chế bảo hộ, xác định hành vi vi phạm. Trước bối cảnh hội nhập với thế giới và thực trạng nước ta ngày càng phát triển, đặc biệt nước ta đã và đang xây dựng, ngày càng hoàn thiện nhà nước pháp quyền thì vấn đề hoàn thiện pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm cần phải được chú trọng và quan tâm nhiều hơn. Từ đó áp dụng vào thực tế để giải quyết các vụ việc tranh chấp về quyền tác giả một cách đúng đắn, hiệu quả và hợp lý hơn.

Bất cứ khi nào bạn có nhu cầu tư vấn, hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi để được giải đáp thắc mắc miễn phí. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên tận tâm và dày dặn kinh nghiệm làm việc cùng các đối tác nước ngoài, DN FDI,… Y&P sẵn sàng cung cấp cho Quý khách hàng gặp khó khăn trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Lê Hải Yến


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc