Chuyển mục đích sử dụng đất đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm tại Vĩnh Phúc. Nhiều người dân tại các địa bàn như Tam Dương, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Phúc Yên,…mong muốn chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở nhưng chưa rõ những điều kiện pháp luật quy định. Bài viết sau đây của Công ty Luật TNHH Youth & Partners sẽ giải đáp thắc mắc trên.
1. Khái niệm “Chuyển đổi mục đích sử dụng đất”
Chuyển mục đích sử dụng đất là sự thay đổi về mục đích sử dụng đất so với loại đất ban đầu bằng quyết định hành chính trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép hoặc việc đăng ký đất đai trong trường hợp không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Điều kiện chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở tại Vĩnh Phúc
– Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai cho hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất.
– Hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất phải là người chấp hành tốt pháp luật đất đai ở địa phương, được UBND cấp xã xác nhận.
– Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm bàn giao phần diện tích nằm trong chỉ giới quy hoạch mở đường, phạm vi hành lang bảo vệ công trình công cộng, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình an ninh quốc phòng và diện tích dành lối đi chung … cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý.
– Thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được duyệt.
– Diện tích đất xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở hoặc gộp cả phần diện tích đất ở hợp pháp hiện có nằm trong cùng thửa đất phải bảo đảm tối thiểu bằng diện tích, kích thước định hạn mức giao đất; hạn mức công nhận đất ở; diện tích tối thiểu được tách, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định của địa phương.
3. Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vĩnh Phúc
Theo Điều 69 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và hướng dẫn tại Quyết định 2555/QĐ-BTNMT, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Theo Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Khi nộp hồ sơ xuất trình thêm chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân nếu có yêu cầu.
Bước 2. Nộp hồ sơ
- Nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường
- Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Bước 3. Xử lý, giải quyết yêu cầu
- Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.
- Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
- Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì UBND cấp huyện trình UBND cấp tỉnh chấp thuận trước khi UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Phòng Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
- Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Xem thêm: Thủ tục chuyển đất nông nghiệp sang đất ở
Bước 4. Trả kết quả
Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính
4. Thời gian thực hiện
- Không quá 15 ngày (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất).
- Không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.