1. Căn cứ pháp lý:
− BLDS năm 2015;
− Nghị định 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm;
− Thông tư số 07/2019/TT-BTP ngày 25/11/2019 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
2. Khái niệm về thế chấp tài sản và thế chấp quyền sử dụng đất:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 317 BLDS năm 2015, thế chấp được hiểu là “việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).”
Thế chấp quyền sử dụng đất là trường hợp chủ sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất đó để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
3. Điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất:
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp khi có đủ điều kiện sau:
− Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
− Đất không có tranh chấp;
− Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
− Trong thời hạn sử dụng đất.
Ngoài các điều kiện nêu trên, giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai. Khác với các giao dịch thế chấp là động sản có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết hợp đồng, hợp đồng chế chấp quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
4. Hồ sơ đăng ký thế chấp và xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất.
Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ như sau:
4.1.Hồ sơ thế chấp quyền sử dụng đất:
Theo Điều 39 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất gồm các tài liệu sau đây:
− Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính);
− Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
− Bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc một trong các loại giấy chứng nhận quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật đất đai (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận);
− Văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);
− Giấy ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu)
4.2. Hồ sơ xóa đăng ký thế chấp:
− Phiếu yêu cầu xóa đăng ký (01 bản chính);
− Văn bản đồng ý xóa đăng ký thế chấp của bên nhận thế chấp (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu) hoặc văn bản xác nhận giải chấp của bên nhận bảo đảm (01 bản chính hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu) trong trường hợp phiếu yêu cầu xóa đăng ký chỉ có chữ ký của bên bảo đảm;
− Bản chính Giấy chứng nhận đối với trường hợp đăng ký thế chấp mà trong hồ sơ đăng ký có Giấy chứng nhận;
− Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
5. Thủ tục đăng ký và xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất:
− Bước 1. Nộp hồ sơ đăng ký: Người yêu cầu đăng ký, xóa đăng ký thế chấp nộp hồ sơ đăng ký tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai nơi có đất và tài sản gắn liền với đất.
− Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký, xóa đăng ký: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tiếp nhận hồ sơ và thẩm định hồ sơ.
− Bước 3. Trả kết quả đăng ký: Người đăng ký nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi xuất trình Phiếu hẹn trả kết quả và Giấy biên nhận thu lệ phí đăng ký.
Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ.
6. Lưu ý khi thực hiện thế chấp Quyền sử dụng đất:
Các giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất hiện nay diễn ra rất phổ biến đồng thời cũng kéo theo các tranh chấp về hợp đồng thế chấp ngày một tăng. Để đảm bảo tính pháp lý cho các giao dịch về quyền sử dụng đất, người sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật về điều kiện thế chấp quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất cần phải xem xét cẩn trọng và xác định nghĩa vụ của mình và khả năng thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp thế chấp để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (đây là trường hợp người thế chấp không phải là người có nghĩa vụ trong hợp đồng chính). Điều này sẽ hạn chế xảy ra trường hợp bên nhận thế chấp phát mại tài sản của bên thế chấp khi bên thế chấp không thực hiện được nghĩa vụ bảo lãnh cho người được bảo lãnh.