1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Dân sự

Khi nào di chúc bằng văn bản có người làm chứng hợp pháp

28 Dân sự

Khi nào di chúc bằng văn bản có người làm chứng hợp pháp
MỤC LỤC

Di chúc bằng văn bản có người làm chứng là một trong những hình thức di chúc phổ biến nhất tại Việt Nam. Hình thức này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người lập di chúc mà còn đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch cho tài sản được phân chia sau khi họ qua đời.

1. Định nghĩa di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Trước khi đi sâu vào các khía cạnh pháp lý, chúng ta cần hiểu rõ về khái niệm, đặc điểm của di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

“Di chúc bằng văn bản có người làm chứng” là bản ghi chép thể hiện ý nguyện cuối cùng của người lập di chúc, có thể tự đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy, được thực hiện bằng văn bản và có sự xác nhận từ những người làm chứng. Điều này đồng nghĩa với việc nếu xảy ra tranh chấp về tài sản sau khi người lập di chúc đã mất, di chúc này sẽ là căn cứ pháp lý để giải quyết.

Tại sao cần có người làm chứng?

Việc có người làm chứng không chỉ giúp tăng cường tính xác thực của di chúc mà còn tạo ra một mối liên hệ trách nhiệm giữa người lập di chúc và những người chứng kiến. Nếu có bất kỳ tranh chấp nào, những người làm chứng có thể cung cấp lời khai, giúp tòa án hoặc cơ quan chức năng xác định tính hợp lệ của di chúc.

Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

(Ảnh minh họa: Di chúc bằng văn bản có người làm chứng)

2. Khi nào di chúc bằng văn bản có người làm chứng hợp pháp?

2.1. Về ý chí của người lập di chúc.

Theo điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015, Di chúc bằng văn bản có người làm chứng được coi là hợp pháp khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

Hiện nay có nhiều trường hợp khi lập di chúc thì người lập di chúc tuổi đã cao, sau đó mất. Lúc này, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa bản di chúc này ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tuyên di chúc vô hiệu với lý do khi lập di chúc, người lập di chúc không được tỉnh táo. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Hiện nay có một số giải pháp có thể áp dụng như:

+      Bản giám định khám sức khỏe của người lập di chúc hoặc

+      Người lập di chúc có thể tự mình yêu cầu công chứng di chúc để chứng minh bản thân hoàn toàn minh mẫn khi lập bản di chúc

2.2. Về hình thức của di chúc

Theo Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải đáp ứng các điều kiện về hình thức như sau:

-      Tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác đánh máy hoặc viết

-      Có ít nhất 2 người làm chứng

-      Người lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt người làm chứng

-      Những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc

Như vậy, để bản di chúc bằng văn bản có người làm chứng có hiệu lực thì bản di chúc này phải có ít nhất 2 người làm chứng. Theo quy định của luật hiện hành, người nào cũng có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những trường hợp sau:

+      Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc. (Như vậy theo nội dung này, người được hưởng di sản thừa kế, nguời thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai, thứ ba như vợ chồng, con, ông bà, anh chị em…không được làm người làm chứng của di chúc)

+      Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung của di chúc

+      Người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hàng vi (chẳng hạn người dưới 18 tuổi, người mắc bệnh tâm thần…)

2.3. Về nội dung của di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Nội dung của di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải có đầy đủ những thông tin sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

Lưu ý: Bắt buộc phải có những nội dung trên, ngoài ra, di chúc bằng văn bản có người làm chứng có thể có nội dung khác. Di chúc không được dùng ký hiệu hoặc viết tắt. Nếu có nhiều trang (2 trang trở lên), di chúc phải ghi số thứ tự và mỗi trang phải có chữ ký hoặc điềm chỉ của người lập di chúc

Như vậy, để một bản di chúc bằng văn bản có người làm chứng được công nhận là hợp pháp thì phải đáp ứng đầy đủ các quy định về ý chí của người lập di chúc; hình thức và nội dung của di chúc.

Hiện nay, phần lớn các di chúc đều có nội dung là để lại di sản là Quyền sử dụng đất cho con/cháu. Một nội dung cần lưu ý là người đứng trên thửa đất trên GCN quyền sử dụng đất. Chẳng hạn ông A lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng cho con là ông B với nội dung là cho ông B thừa kế toàn bộ thửa đất. Tuy nhiên, trên GCN quyền sử dụng đất, vợ ông A là bà C cũng cùng đứng tên trên GCN. Vậy thì trong bản di chúc phải có ý kiến cùng chữ ký của bà C. Trong trường hợp di chúc thiếu nội dung này, khi ông A mất mà bà C không muốn cho ông B thừa kế mảnh đất thì ông B chỉ được thừa kế phần của ông A. Lúc này, bản di chúc bằng văn bản có người làm chứng sẽ bị vô hiệu 1 phần (Giả định bản di chúc này đáp ứng toàn bộ các điều kiện về ý chí người lập di chúc, hình thức, nội dung)

 3. Những trường hợp di chúc có thể bị vô hiệu

Mặc dù di chúc bằng văn bản có người làm chứng có thể được xem là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các yêu cầu trên, nhưng cũng có một số trường hợp di chúc sẽ bị vô hiệu hoặc không có giá trị pháp lý, bao gồm:

·      Di chúc được lập khi người lập di chúc không có năng lực hành vi dân sự hoặc bị ép buộc, lừa dối.

·      Người làm chứng không đủ điều kiện hoặc có quyền lợi trực tiếp trong di chúc.

·      Nội dung di chúc trái pháp luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội.

Di chúc bằng văn bản có người làm chứng là một hình thức di chúc hợp pháp khi người lập di chúc đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý, bao gồm năng lực hành vi dân sự, tự nguyện lập di chúc, và có ít nhất hai người làm chứng không có quyền lợi trong di chúc. Để bảo đảm quyền lợi của mình, người lập di chúc nên tham khảo ý kiến của luật sư hoặc cơ quan công chứng để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc.

Nếu bạn cần tư vấn thêm về vấn đề di chúc và thừa kế, hãy liên hệ với các chuyên gia pháp lý để được hỗ trợ chi tiết và đúng quy định của pháp luật.

Xem thêm bài viết: Thừa kế thế vị theo Bộ luật dân sự 2015

 #NTH

 

 


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc