1. Quy định của luật về độ tuổi được phép kết hôn
Theo khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, nam từ đủ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn. Đây là một điều khoản nhằm bảo vệ quyền lợi của những người chưa đủ trưởng thành về thể chất và tinh thần để đảm bảo cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và bền vững.
Việc kết hôn dưới độ tuổi quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, nữ dưới 18 tuổi và nam dưới 20 tuổi không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định được gọi là “Tảo hôn”. Đây là vấn đề “nhức nhối” của nhiều quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam. Điều đáng buồn là hiện nay tảo hôn còn xảy ra rất nhiều, chủ yếu là ở các dân tộc miền núi và nông thôn, thậm chí có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau mà một trong số đó là do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật với cuộc cách mạng 4.0.
2. Kết hôn dưới 18 tuổi bị phạt bao nhiêu tiền?
Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014 cấm thực hiện những hành vi như sau:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Như vậy, người nào có hành vi vi phạm pháp luật, thực hiện những hành vi bị cấm sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh, thực hiện các biện pháp ngăn chặn để bảo vệ quyền, lợi ích của tất cả các công dân của đất nước.
Theo Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn sẽ phạt hành chính như sau:
- Với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn: phạt tiền từ 1 triệu- 3 triệu đồng
- Với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án: Phạt tiền từ 3 triệu – 5 triệu đồng
Ngoài ra, người nào đã bị xử phạt hành chính về việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ tuổi mà vẫn vi phạm thì có thể bị truy cứu tội “Tổ chức tảo hôn” với mực phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm tùy mức độ và tính chất của hành vi vi phạm.
Hiện nay, có nhiều người cho rằng, luật cấm việc kết hôn giữa những người chưa đủ tuổi nên không đi đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức lễ cưới tại nhà. Không ít người cho rằng chỉ cần không đến Ủy ban đăng ký kết hôn là không vi phạm quy định của luật. Nhưng thực tế, Luật và các văn bản hướng dân quy định xử phạt về hành vi “tổ chức lấy vợ, lấy chồng”, “duy trì quan hệ hôn nhân trái luật dù đã có bản án có hiệu lực của Tòa”. Từ quy định trên có thể thấy rằng, khi gia đình tổ chức lễ cưới cho con chưa đủ tuổi kết hôn cũng đang vi phạm quy định của luật và có thể bị phạt.
(Ảnh minh họa: Kết hôn dưới 18 tuổi phạt bao nhiêu tiền)
3. Tại sao kết hôn dưới 18 tuổi lại bị xử phạt?
Pháp luật Việt Nam không chỉ cấm việc kết hôn dưới 18 tuổi mà còn đặt ra hình thức xử phạt nhằm bảo vệ các quyền lợi cơ bản của người chưa đủ tuổi kết hôn, cụ thể:
Bảo vệ sức khỏe và phát triển tâm lý của trẻ em: Người dưới 18 tuổi chưa có đủ sự trưởng thành về thể chất và tinh thần để xây dựng một gia đình bền vững. Kết hôn khi chưa đủ tuổi có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe, tâm lý và khả năng nuôi dưỡng con cái.
Giảm thiểu các vấn đề xã hội: Kết hôn dưới tuổi vị thành niên có thể dẫn đến nhiều vấn đề như mang thai sớm, tảo hôn, bạo lực gia đình, hoặc sự gián đoạn trong quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp. Điều này ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân mà còn đến cả sự phát triển của xã hội.
Tôn trọng quyền của trẻ em: Chính phủ và các cơ quan chức năng coi trọng quyền lợi của trẻ em, vì vậy việc bảo vệ quyền trẻ em là một ưu tiên hàng đầu. Độ tuổi kết hôn hợp pháp được quy định rõ ràng nhằm bảo vệ các quyền lợi của trẻ em trong gia đình và xã hội.
4. Tác động của việc kết hôn dưới 18 tuổi đối với các bên liên quan
Kết hôn dưới 18 tuổi không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn có tác động lâu dài đến các bên liên quan:
Đối với nữ giới: Việc kết hôn khi chưa đủ tuổi có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sinh con sớm, nguy cơ tai biến trong quá trình sinh đẻ, và nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa. Ngoài ra, nữ giới dưới 18 tuổi cũng dễ gặp phải tình trạng bạo lực gia đình và thiếu quyền lực trong các quyết định quan trọng trong cuộc sống gia đình.
Đối với gia đình: Việc kết hôn sớm có thể làm gián đoạn việc học hành và phát triển nghề nghiệp của người trong cuộc, dẫn đến thiếu khả năng tài chính và chăm sóc gia đình. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ em và môi trường gia đình nói chung.
Đối với xã hội: Tình trạng tảo hôn và kết hôn dưới tuổi hợp pháp có thể dẫn đến nhiều vấn đề xã hội như tăng tỷ lệ nghèo đói, giảm tỷ lệ học vấn và khả năng phát triển nghề nghiệp cho những người bị ảnh hưởng.
Xem thêm: Luật có quy định bao nhiêu tuổi được coi là kết hôn muộn?
#NTH