Trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc hiện nay, nhu cầu chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất có chiều hướng ngày càng gia tăng. Khi thực hiện giao dịch, thông thường các Bên sẽ thực hiện theo 2 bước: Đặt cọc và thực hiện chuyển nhượng, đi kèm với đó là 02 loại hợp đồng nhằm ràng buộc các Bên tham gia giao dịch, đó là Hợp đồng đặt cọc và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vậy một hợp đồng đặt cọc nên có những nội dung nào? Luật sư của Công ty Luật TNHH Youth & Partners sẽ giải đáp thông qua bài viết dưới đây.
1. Hợp đồng đặt cọc là gì?
Theo Bộ Luật Dân sự quy định “Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.
Như vậy, đặt cọc là một biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Việc đặt cọc cũng cần đảm bảo các quy định Điều 131 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và phải được lập thành văn bản (có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính).
2. Các nội dung chính của hợp đồng đặt cọc mua đất
Điều khoản về Thông tin của các Bên tham gia giao dịch đặt cọc, có thể bao gồm các thông tin chính như: Họ và tên, số CMND/CCCD/Hộ chiếu, hộ khẩu thường trú, số điện thoại ….
Điều khoản về Tài sản đặt cọc: Trong đó nêu rõ về tài sản đặt cọc (thông thường là tiền), và việc thanh toán tài sản đặt cọc.
Điều khoản về thời hạn đặt cọc: Nêu rõ về thời hạn đặt cọc, và điều kiện khi hết thời hạn đặt cọc (nếu có)
Điều khoản về nội dung, mục đích đặt cọc: Tại mục này, nên nêu rõ về nội dung, quy trình thực hiện đặt cọc, có thể bao gồm các mục sau (i) thông tin của lô đất (có thể bao gồm các thông tin số lô, số thửa, tờ bản đồ, diện tích, địa chỉ, đặc điểm thửa đất… (ii) Cam kết của bên nhận đặt cọc về lô đất, (iii) Giá chuyển nhượng đất các bên thống nhất.
Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên đặt cọc: (i) Giao số tiền đặt cọc theo đúng thỏa thuận; (ii) Thực hiện ký Hợp đồng/thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đã thỏa thuận (iii) Nếu từ chối giao kết Hợp đồng/thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bị mất số tiền đặt cọc, và xử lý khi bên nhận cọc huỷ cọc.
Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc: (i) Trừ số tiền bên đặt cọc đã đặt cọc khi hai bên giao kết và thực hiện Hợp đồng/thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đã thỏa thuận; (ii) Xử lý khi bên nhận đặt cọc huỷ giao dịch.
Điều khoản về phuơng thức giải quyết tranh chấp: Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều khoản về cam đoan của các bên và các điều khoản khác (nếu có).
Cuối cùng, hai bên ký và ghi rõ họ tên.
3. Khuyến nghị của Luật sư Y&P về hợp đồng đặt cọc mua đất
Như vậy, đặt cọc là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, đồng thời, nó cũng là một giao dịch dân sự, nên phải đảm bảo đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và cũng để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các bên khi xảy ra tranh chấp. Trong quá trình thực tiễn hành nghề, chúng tôi đã gặp và giải quyết không ít các trường hợp tranh chấp hợp đồng đặt cọc rất đáng tiếc, khi các bên quá tin tưởng nhau mà không lập hợp đồng đặt cọc, hoặc có hợp đồng đặt cọc nhưng nội dung lại rất sơ sài. Do đó, chúng tôi khuyến nghị hãy liên hệ Luật sư khi làm hợp đồng đặt cọc để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nếu gặp vấn đề về giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc tại Vĩnh Phúc, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây: https://vinhphuclawyers.vn/dich-vu-phap-ly/tranh-tung-va-dai-dien-ngoai-to-tung/giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-dat-coc-tai-vinh-phuc-32221.htm
LS Hoàng Hồng Mơ