1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Dân sự

Bán đất mà không được sự đồng ý của vợ hoặc chồng sẽ bị xử lý như thế nào?

3804 Dân sự

Bán đất mà không được sự đồng ý của vợ hoặc chồng sẽ bị xử lý như thế nào?
MỤC LỤC

1. Chồng có được tự ý bán đất mà không cần vợ đồng ý không?

Khi vợ chồng đăng ký kết hôn, tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân sẽ là tài sản chung vợ chồng, mọi quyết định liên quan đến tài sản chung đều phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Bởi nguyên tắc khi giải quyết tài sản chung vợ chồng được nêu tại khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình:
Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
Do đó, về việc bán đất của một trong hai người, có thể xét các trường hợp sau đây:
Tài sản đem bán là tài sản chung vợ chồng
Do đây là tài sản chung vợ chồng nên quyền định đoạt sẽ do cả hai người cùng thoả thuận (khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình). Nếu không có thoả thuận thì tài sản chung sẽ phải thực hiện theo nguyên tắc là cả hai vợ chồng cùng quyết định và định đoạt.
Bởi vậy, khi bán đất phải có mặt cả hai vợ chồng cùng ký vào hợp đồng mua bán trừ trường hợp một trong hai bên không thể trực tiếp ký thì có thể uỷ quyền cho người còn lại hoặc người khác. Tuy nhiên, một trong hai bên không thể tự ý bán đất mà không có sự đồng ý của người còn lại.
Lưu ý: Kể cả trong trường hợp Sổ đỏ chỉ đứng tên một trong hai vợ chồng nhưng khi được xác định là tài sản chung thì đều phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Nhà, đất là tài sản riêng của vợ chồng
Bên cạnh tài sản chung vợ chồng, mỗi người vợ hoặc chồng đều có quyền có tài sản riêng. Đây có thể là tài sản có trước hôn nhân hoặc được chia trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản chung.
Theo khoản 1 Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình, với tài sản riêng của mình, vợ hoặc chồng có toàn quyền định đoạt và quyết định nhập hay không nhập vào tài sản chung.
Do đó, nếu đất này là tài sản riêng của một trong hai bên thì khi người này bán không cần sự đồng ý của người còn lại.
Do đó, nếu là tài sản chung vợ chồng thì chồng không được tự ý bán đất mà không được vợ đồng ý. Chỉ khi đất là tài sản riêng của chồng thì chồng mới được bán mà không cần ý kiến của vợ.

2. Chồng có bị phạt không khi tự ý bán đất?

Hiện nay, chỉ có Điều 18 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính khi vi phạm việc chuyển quyền quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai.
Trong đó, điều kiện để được chuyển quyền đất là có Sổ đỏ, đất không có tranh chấp, đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án và vẫn trong thời hạn sử dụng đất.
Do đó, hiện nay, trong các văn bản của pháp luật không có quy định nào về việc xử phạt chồng khi chồng tự ý bán đất là tài sản chung của vợ chồng mà không được sự đồng ý của vợ.

3. Chồng tự ý bán đất, vợ có đòi lại được không?

Mặc dù không có quy định về việc phạt chồng tự ý bán đất nhưng nếu chồng tự ý bán tài sản chung mà không có thoả thuận hoặc được sự đồng ý của vợ thì người vợ có thể kiện ra Toà để đòi lại đất bởi việc bán đất trong trường hợp này sẽ bị vô hiệu do bị lừa dối theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự. Khi đó, các bên sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản.
Thủ tục khởi kiện khi chồng tự ý bán đất được thực hiện như sau:
Chuẩn bị giấy tờ
- Đơn khởi kiện. Trong đơn này, người vợ cần phải trình bày được các ý sau đây:
+ Tài sản người chồng bán là tài sản chung vợ chồng.
+ Chồng bán đất không có sự đồng ý của vợ.
+ Người chồng cố ý che giấu việc đây là tài sản chung của vợ chồng và một mình chồng không thể tự ý bán tài sản này được với người mua khiến người mua thực hiện việc mua bán đất này.
- Giấy tờ nhân thân của vợ, chồng: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn.
- Giấy tờ về thửa đất đã bị chồng tự ý bán: Sổ đỏ. Nếu được có thể cung cấp thêm hợp đồng mua bán giữa chồng và bên mua (nếu có)...
Khởi kiện tại đâu?
Theo khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Toà án nơi người chồng (người bị kiện) cư trú, làm việc là cơ quan có thẩm quyền giải quyết trường hợp này.
Người vợ có thể gửi đơn khởi kiện đến Toà án có thẩm quyền thông qua ba hình thức: Nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc gửi online qua Cổng thông tin điện tử của Toà án nếu Toà án nơi tiếp nhận đã có.
Thời gian giải quyết?
Thời gian chuẩn bị xét xử là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Nếu trường hợp phức tạp hoặc bất khả kháng thì có thể gia hạn không quá 02 tháng.
Trên đây là quy định về việc xử lý khi vợ hoặc chồng bán đất là tài sản chung mà Công ty Luật TNHH Youth & Partners đã tìm hiểu và cập nhật, cảm ơn quý khách hàng quan tâm theo dõi.

BĐM
 



HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc