1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Dân sự

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – Những điều cần biết

3654 Dân sự

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng – Những điều cần biết
MỤC LỤC

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) là một trong những chế định pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong đời sống dân sự để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi có thiệt hi xảy ra. Ở Việt Nam, bồi thường thiệt hại hiện nay được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự, theo đó người có hành vi gây ra thiệt hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất mà mình đã gây ra. Dựa vào tính chất và nguồn gốc của các nghĩa vụ được tạo lập mà các vi phạm trách nhiệm được phân thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trên thực tế xét xử ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng thì có thể thấy rằng, số vụ án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chiếm số lượng lớn hơn so với bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng diễn ra rất phổ biến nhưng nhiều chủ thể lại chưa hiểu rõ về bản chất và các quy định liên quan đến vấn đề pháp lý này. Bài viết sau đây của Y&P Lawfirm sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin pháp luật hữu ích xoay quanh vấn đề này.

1. Thế nào là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự mà khi người nào có hành vi vi phạm nghĩa vụ do pháp luật quy định ngoài hợp đồng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự đặt ra khi có thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường sẽ phải bồi thường thiệt hại đó.

2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định chủ yếu về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng đối với hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của các cá nhân và tổ chức khác. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định tại Điều 584 BLDS 2015: 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Các điều kiện đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái phát luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi. Tuy nhiên, BTTH theo hợp đồng, do cơ sở phát sinh trách nhiệm là do các bên bên thoả thuận nên các bên cũng có thể thoả thuận đặt ra các điều kiện phát sinh có thể không bao gồm đầy đủ những điều kiện trên như bên vi phạm hợp đồng không có lỗi cũng vẫn phải BTTH…

4. Chủ thể                                                                          

Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng ngoài việc áp dụng đối với người có hành vi trái pháp luật thì còn áp dụng đối với người khác như cha mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ đối với người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân, trường học, bệnh viện, cơ sở dạy nghề….

5. Phương thức thực hiện bồi thường và mức bồi thường

Do thiệt hại này thường nằm ngoài ý muốn của các chủ thể, cho nên các bên không thể thỏa thuận trước về phương thức bồi thường, mức bồi thường khi có thiệt hại. Khi có thiệt hại xảy ra, bên gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời, dù là thiệt hại trực tiếp hay thiệt hại gián tiếp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 585 BLDS năm 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thông thường việc hoàn tất bồi thường thiệt hại sẽ làm chấm dứt nghĩa vụ của bên bồi thường đối với bên được bồi thường. BTTH ngoài hợp đồng về nguyên tắc là người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Thiệt hại chỉ có thể được giảm trong một trường hợp đặc biệt đó là người gây thiệt hại có lỗi vô ý và thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ.

6. Thời điểm phát sinh trách nhiệm                           

Đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm phát sinh kể từ thời điểm xảy ra hành vi gây thiệt hại.

7. Về tính liên đới chịu trách nhiệm

Trong trường hợp nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì họ đều phải chịu trách nhiệm liên đới theo các quy định của pháp luật dân sự (theo quy định tại Điều 587 BLDS 2015).

8. Về yếu tố lỗi

Việc phân biệt lỗi vô ý và cố ý cũng có ý nghĩa nhưng bên cạnh đó thì người có hành vi vi phạm có thể chịu trách nhiệm ngay cả khi không có lỗi trong trường hợp pháp luật có quy định.

Đỗ Huệ.


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc