1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Dân sự

Cung cấp, giao nộp chứng cứ của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự

2865 Dân sự

Cung cấp, giao nộp chứng cứ của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự
MỤC LỤC


1.    Các quy định của pháp luật về cung cấp (giao nộp) chứng cứ của đương sự.

Chứng cứ là cái có thật, được thu thập theo một trình tự do luật định, được Tòa án dùng làm căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự. Việc cung cấp, giao nộp chứng của đương sự, được pháp luật tố tụng dân sự quy định thành nguyên tắc và được cụ thể hóa tại chương VII BLTTDS 2015.

1.1.        Nguyên tắc.

Khoản 1 Điều 6 BLTTDS quy định đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ, và chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp. Đây là quyền của đương sự khi đương sự đó bị đương sự khác hoặc chủ thể khác có yêu cầu với mình, là nghĩa vụ khi có yêu cầu với đương sự khác. Khi trở thành quyền, đương sự có thể tự quyết đinh cung cấp, giao nộp chứng cứ cho Tòa hoặc không.

1.2.        Quy định cụ thể.

Các quy định cụ thể về cung cấp, giao nộp chứng cứ của đương sự được quy định tại Chương VII BLTTDS 2015 với những nội dung như sau:

Thứ nhất, các đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ:

Theo quy định tại Điều 91 BLTTDS 2015, nhìn chung, “đương sự có yêu cầu”, “đương sự phản đối yêu cầu” đều có nghĩa vụ chứng minh, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Không phải tất cả các đương sự có yêu cầu đều có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, trong một số trường hợp được pháp luật quy định, những đương sự này không cần phải cung cấp chứng cứ chứng minh. Điều 91 cũng quy định: đương sự có yêu cầu phải cung cấp, giao nộp chứng cứ trước (trừ một số trường hợp). Việc sắp xếp thứ tự như vậy là phù hợp, tránh được tình trạng đương sự đùn đẩy hoặc tranh giành thực hiện nghĩa vụ nhằm tạo lợi thế cho mình. Khoản 4 Điều 91 BLTTDS còn quy định về hậu quả của việc không cung cấp được, không cung cấp đủ chứng cứ theo đó Tòa án sẽ dựa vào chứng cứ mà đương sự đã cung cấp để giải quyết vụ việc. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 Bộ luật TTDS để giải quyết vụ việc dân sự (khoản 1 Điều 96). Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền cung cấp chứng cứ của đương sự, Điều 106 BLTTDS quy định đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ.

Thứ hai, các chứng cứ cần được đương sự cung cấp, được quy định tại Điều 94 BLTTDS 2015 bao gồm: các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử, vật chủng lời khai của đương sự, lời khai của người làm chung kết luận giám định, biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ, kết quả đnh giá tài sản thẩm đánh giá tài sản, văn bản ghi nhận sự kiện hành vi pháp lý do người có chức năng lập văn bản công chúng chứng thực và các chứng cứ khác mà pháp luật có quy định.

Thứ ba, về mục đích của việc cung cấp chứng cứ. Mục đích của việc đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ được quy định tại Điều 96 BLTTDS 2015. Theo đó đương sự phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu mình đưa ra chứ không phải để chứng minh cho yêu cầu của chủ thể khác, không phải thay Tòa giải quyết vụ việc.

Thứ tư, về trình tự, thủ tục cung cấp, giao nộp chứng cứ. Được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 96 BLTTDS 2015, việc đương sự giao nộp tài liệu chứng cứ cho tòa án phải được lập thành biên bản. Trong biên bản giao nhận chứng cứ phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung đặc điểm của tài liệu chứng cứ, số bản số trang của chúng cử và thời gian nhận, chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ. Quy định này hướng dẫn về cách thức giao nộp tài liệu chứng cử và điều kiện về tính hợp pháp của chúng cử đó là phải được thu thập, giao nộp theo trình tự và thủ tục do BLTTDS quy định. Đồng thời, khi giao nộp tài liệu chứng cứ thì họ cũng phải gửi cho đương sự khác. Quy định này cũng nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bảo đảm tranh tụng trong TTDS được thực hiện.

Thứ năm, về thời hạn cung cấp, giao nộp chứng cứ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 96 BLTTDS năm 2015 nghĩa vụ cung cấp chứng cử của đương sự có thể được thực hiện trong một thời hạn khá dài, trong suốt quá trình từ khi Tòa án nhận đơn, thụ lý đến trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử Theo quy định tại khoản 3 Điều 139 BLTTDS năm 2015 thì ngay từ khi có đơn đến Tòa án thi “Kèm theo đơn khởi kiện phải có tải liệu chứng cử chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm”. Thậm chí, sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự vẫn có thể giao nộp, trình bày tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự[5]. Như vậy, với các quy định trên đương sự có nhiều cơ hội để cung cấp chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hay phản yêu cầu của mình.

2.    Thực tiễn áp dụng tại Vĩnh Phúc.

Trong thời gian qua, các Tòa án đã chú trọng hướng dẫn đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của pháp luật TTDS, tích cực hướng dẫn đương sự tự thu thập, cung cấp chứng cứ cho Tòa án, góp phần giải quyết vụ việc được nhanh chóng, đúng pháp luật. Cụ thể, tỷ lệ giải quyết, xét xử án dân sự của Tòa trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm dần qua các năm. Giảm mạnh các bản án tuyên không rõ, khó thi hành. Bên cạnh nhưng thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại những vướng mắc nhất định như:

Thứ nhất, BLTTDS có quy định với các chứng cứ Tòa không yêu cầu thì đương sự có thể giao nộp và các giai đoạn tố tụng tiếp theo, dẫn đến giai đoạn phúc thẩm, giảm đốc thẩm đương sự mới xuất trình chứng cứ mặc dù đã có từ trước, dẫn đến án sơ thẩm bị hủy, vụ án phải giải quyết lại từ đầu.

Thứ hai, một số vụ án bị kéo dài do nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân lưu giữ chứng cứ thường từ chối trả lời bằng văn bản cho đương sự về việc không cung cấp chứng cứ mà chỉ trả lời miệng, do đó đương sự không thể chứng minh mình đã áp dụng các biện pháp cần thiết.

Thứ ba, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhiều thẩm phán mới chỉ chú trọng đến việc hòa giải chứ chưa chú trọng việc chú trọng tổ chức cho các đương sự tiếp cận, công khai chứng cứ để phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Trong khi đó với trình độ hiểu biết pháp luật của người dân như hiện nay, đặc biệt là ở các vùng nông thôn thì đương sự không thể biết để yêu cầu Thẩm phán công khai, cho mình tiếp cận các tài liệu chứng cứ mà Tòa án thu thập hoặc đương sự khác cung cấp. Đồng thời đương sự cũng không biết việc mình phải có nghĩa vụ phải gửi chứng cứ cho đương sự khác. Do đó tại phiên tòa đa phần các đương sự chỉ chủ yếu tranh luận trên cơ sở tài liệu chứng cứ mình có và hoàn toàn bị động với các chứng cứ mà các đương sự khác cung cấp hoặc Tòa án thu thập nên hiệu quả tranh luận không cao, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đương sự phần nào bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số Thẩm phán nhận thức chưa đầy đủ về quy định pháp luật hoặc thiếu trách nhiệm, hời hợt trong việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Các cơ quan tổ chức, cá nhân còn thiếu hợp tác, gây khó dễ trong quá trình giải quyết vụ án. Mặt khác, bản thân các đương sự do trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế nên cũng không biết để thực hiện hoặc yêu cầu Thẩm phán tạo điều kiện để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình liên quan đến việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.

C.G


 

 


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc