Giao dịch dân sự đôi khi có tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể khiến một trong hai bên bị thiệt hại. Do đó, việc đảm bảo các bên thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ là vô cùng cần thiết. Và việc thực hiện biện pháp bảo đảm sẽ có thể tránh được những những vi phạm có thể xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng đối với các bên tham gia giao dịch dân sự trong các giao dịch dân sự. Tại bài viết dưới đây, Youth & Partners sẽ cung cấp những thông tin về biện pháp bảo đảm và các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này
1. Căn cứ
Bộ luật Dân sự 2015
Nghị định 102/2017/NÐ-CP đăng ký biện pháp bảo đảm.
2. Giao dịch bảo đảm là gì
Giao dịch bảo đảm có thể được hiểu là sự thỏa thuận của các bên về thực hiện những biện pháp để bảo đảm cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự trên cơ sở các quy định pháp luật. Giao dịch này mang tính chất phòng ngừa, ngăn chặn hoặc khắc phục được các hậu quả có thể xảy ra khi một trong các bên không thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ dân sự.
Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm. Tài sản hình thành trong tương lai là tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập; hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm; nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch mới thuộc sở hữu của bên bảo đảm. Những trường hợp có thể thực hiện biện pháp bảo đảm: Thế chấp quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Thế chấp tàu biển; Thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai hoặc tài sản là động sản khác.
Để đảm bảo tính pháp lý, những giao dịch nêu trên cần được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Nghị định 102/2017/NĐ-CP Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm.
Như vậy, có thể hiểu biện pháp bảo đảm hay giao dịch bảo đảm là loại trách nhiệm đặc biệt trong đó các bên tham gia thỏa thuận những vấn đề như: phạm vi trách nhiệm, mức độ chịu trách nhiệm cũng như hình thức, biện pháp áp dụng trách nhiệm. Các giao dịch bảo đảm sẽ được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
3. Những đặc trưng của biện pháp bảo đảm
Biện pháp bảo đảm mang tính chất bổ sung cho nghĩa vụ được bảo đảm. Nghĩa là, mỗi biện pháp đều gắn với một hoặc một số nghĩa vụ nhất định; có thể đó là nghĩa vụ hiện tại hoặc cũng có thể là nghĩa vụ hình thành trong tương lai.
Các biện pháp bảo đảm đều có mục đích đảm bảo và nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Thông thường, thỏa thuận các biện pháp bảo đảm, các bên tham gia thường hướng tới mục đích nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của người có nghĩa vụ.
Đối tượng của các giao dịch bảo đảm thường là vật chất; mà cụ thể là một tài sản. Các đối tượng này phải có đủ yếu tố mà pháp luật đã yêu cầu đối tượng của nghĩa vụ dân sự nói chung.
Các biện pháp bảo đảm chỉ được áp dụng khi có sự vi phạm nghĩa vụ; điều này có nghĩa không thể áp dụng biện pháp bảo đảm nếu nghĩa vụ đã được các bên thực hiện một cách đầy đủ.
4. Những rủi ro khi thực hiện giao dịch bảo đảm
Thứ nhất, rủi ro về cùng một tài sản có thể được thế chấp ở hai nơi khác nhau theo quy trình khác nhau. Quy trình một là đăng ký với Trung tâm đăng ký tài sản dưới góc độ thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán căn hộ. Quy trình thứ hai là công chứng hợp đồng thế chấp theo Luật Nhà ở.
Thứ hai, trên thực tế đối với các dự án căn hộ thì chủ đầu tư cũng đã thế chấp miếng đất và khu chung cư hình thành trong tương lai (tài sản hình thành từ vốn vay) cho một ngân hàng, ví dụ ngân hàng C. Đồng thời, chủ đầu tư cũng cho phép người mua căn hộ (khi chưa có sổ hồng) thế chấp với một ngân hàng khác, ví dụ ngân hàng D.
5. Thủ tục thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm
Về việc thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm, các bên tham gia giao dịch có thể nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền theo các phương thức như: Qua hệ thống đăng ký trực tuyến; Nộp trực tiếp; Qua đường bưu điện; Qua thư điện tử trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.
Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan sẽ thực hiện tiếp nhận như sau:
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp: Nếu hồ sơ hợp lệ, người tiếp nhận vào Sổ tiếp nhận, cấp cho người yêu cầu đăng ký Phiếu hẹn trả kết quả. Trường hợp hồ sơ đăng ký không hợp lệ, người tiếp nhận hướng dẫn để người yêu cầu đăng ký trực tiếp hoàn thiện hồ sơ hoặc lập văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hồ sơ được nộp bằng các phương thức khác: Nếu hồ sơ đăng ký hợp lệ, người tiếp nhận vào sổ tiếp nhận. Trường hợp hồ sơ đăng ký không hợp lệ, ngay trong ngày nhận hồ sơ, người tiếp nhận lập văn bản từ chối tiếp nhận và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Văn bản từ chối tiếp nhận và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ được gửi trả lại cùng hồ sơ đăng ký cho người yêu cầu đăng ký qua đường bưu điện có bảo đảm trong trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu điện hoặc gửi qua thư điện tử trong trường hợp hồ sơ được gửi qua thư điện tử.
Về thời hạn:
Hồ sơ sẽ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ; trường hợp tiếp nhận hồ sơ sau 15h thì hồ sơ sẽ được giải quyết trong ngày tiếp theo, trường hợp ngoại lệ cần phải kéo dài thời gian giải quyết thì thời hạn là không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
Sau thời hạn nêu trên, kết quả sẽ được trả cho người đăng ký theo phương thức: Trực tiếp tại cơ quan đăng ký; Qua đường bưu điện; Phương thức khác do cơ quan đăng ký và người yêu cầu đăng ký thỏa thuận.
6. Dịch vụ tư vấn giao dịch bảo đảm của Youth & Partners
Liên quan đến vấn đề pháp lý trong giao dịch bảo đảm, Công ty Luật TNHH Youth & Partners sẽ cung cấp những dịch vụ sau:
- Tư vấn các quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm;
- Tư vấn, hỗ trợ đánh giá tính pháp lý của các tài sản liên quan đến giao dịch bảo đảm;
- Tư vấn trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký thay đổi/xóa đăng ký giao dịch bảo đảm đã đăng ký và hậu quả pháp lý;
- Hỗ trợ soạn thảo/rà soát hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm;
- Đại diện nhận kết quả chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm;
- Tư vấn nhận diện tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ đã/chưa đăng ký để hạn chế rủi ro cho Khách hàng trong giao dịch;
- Đại diện thực hiện khiếu nại, khởi kiện các hành vi xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của Khách hàng.
DTTH