1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Dân sự

ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

3465 Dân sự

ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
MỤC LỤC

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, phổ biến là ở Vĩnh Yên, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Yên Lạc…có rất nhiều tranh chấp về tuyên hợp đồng dân sự vô hiệu do không đảm bảo một trong các điều kiện có hiệu lực được quy định tại Bộ luật dân sự. Hợp đồng vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Vì thế, để tránh việc hợp đồng bị vô hiệu, quyền lợi các bên được đảm bảo thì cần phải đặc biệt chú ý các điều kiện cần và đủ để hợp đồng có hiệu lực khi giao kết hợp đồng. Công ty Luật TNHH Youth& Partners sẽ làm rõ vấn đề này thông qua bài viết sau.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật dân sự năm 2015

1. Hợp đồng dân sự là gì?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

2. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng


2.1. Chủ thể khi giao kết hợp đồng dân sự phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.

* Đối với cá nhân:

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được tự mình xác lập, thực hiện các hợp đồng dân sự

-   Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện hợp đồng dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- Người chưa đủ sáu tuổi thì hợp đồng dân sự do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

- Người mất năng lực hành vi dân sự khi tham gia hợp đồng dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

- Người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày

* Đối với pháp nhân:

Pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác xác lập, thực hiện hợp đồng thông qua người đại diện hợp pháp, nhưng phải trong phạm vi đại diện và tham gia các giao dịch phù hợp với phạm vi hoạt động.

2.2. Chủ thể tham gia hợp đồng dân sự hoàn toàn tự nguyện

Tự nguyện xác lập, thực hiện hợp đồng dân sự là việc chủ thể tự mình quyết định có tham gia vào hợp đồng theo ý chí, nguyện vọng của mình hay không. Theo quan điểm của Toà án nhân dân tối cao thì “người tham gia giao dịch (hợp đồng) hoàn toàn tự nguyện được hiểu là: các bên tham gia giao dịch hoàn toàn tự do bày tỏ ý chí, nguyện vọng của mình, tự nguyện thoả thuận với nhau về các nội dung của giao dịch mà không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép từ phía bên kia hoặc của người khác; các bên tự nguyện thoả thuận các vấn đề nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.

Theo BLDS 2015, hợp đồng dân sự nếu được xác lập không dựa trên sự tự nguyện thì sẽ có thể bị vô hiệu theo các trường hợp cụ thể sau:

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo:
Khi các bên xác lập hợp đồng dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một hợp đồng dân sự khác thì hợp đồng giả tạo vô hiệu, còn hợp đồng bị che giấu vẫn có hiệu lực.

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn:

Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép:

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

- Hợp đồng dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình:

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

2.3. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu

2.4. Điều kiện về hình thức của hợp đồng

Với một số loại hợp đồng, nếu điều kiện về hình thức là bắt buộc thì các bên khi giao kết hợp đồng phải tuân thủ quy định về mặt hình thức. Đối với một số loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng, chứng thực như hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho… quyền sử dụng đất thì phải tuân thủ tuyệt đối quy định này.

Như vậy, khi xác lập, thực hiện hợp đồng dân sự, để tránh hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì các cá nhân, pháp nhân cần chú ý đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mà Công ty Luật TNHH Youth & Partners đã đề cập ở trên. Nếu có bất kỳ vướng mắc nào, Quý Khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn trực tiếp.

NTQ


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc