1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Dân sự

Quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án dân sự

3738 Dân sự

Quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án dân sự
MỤC LỤC

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, công tác Thi hành án dân sự (THADS) hiện nay đã đạt được kết quả quan trọng; tỷ lệ giải quyết các vụ việc có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước, các vụ việc khó khăn phức tạp, có đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài đã từng bước được giải quyết. Trong công tác THADS, việc xác minh điều kiện thi hành án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết việc thi hành án mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, tăng tính chủ động cho các bên đương sự. Luật sư của Công ty Luật TNHH Youth & Partners sẽ phân tích quy định của pháp luật hiện hành về xác minh điều kiện thi hành án dân sự. 

 1.  Định nghĩa xác minh điều kiện thi hành án

Thông thường, “xác minh” được hiểu là việc làm rõ sự thật qua thực tế và chứng cứ cụ thể. “Điều kiện” có thể hiểu là cái cần phải có để cái khác có thể có hoặc có thể xảy ra. “Thi hành án” là “hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được tiến hành theo thủ tục, trình tự được pháp luật quy định nhằm thực hiện các bản án, quyết định của đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

Hiện nay, pháp luật nước ta chưa quy định cụ thể thế nào là xác minh điều kiện thi hành án, tuy nhiên, có thể hiểu xác minh điều kiện thi hành án “là việc Chấp hành viên hoặc người được thi hành án tiến hành thu thập các chứng cứ, tài liệu về tài sản, thu thập của người phải thi hành án để làm căn cứ tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật”

2.    Chủ thể xác minh điều kiện thi hành án

Căn cứ Điều 44 Luật thi hành án dân sự hiện hành và Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, chủ thể xác minh điều kiện thi hành án bao gồm:

  •  Chấp hành viên:

Khoản 4 Điều 20 Luật thi hành án dân sự hiện hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên như sau: “Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.”

Căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật thi hành án dân sự hiện hành quy định: “1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay...

Như vậy, chấp hành viên là chủ thể xác minh điều kiện thi hành án. Chấp hành viên thực hiện xác minh điều kiện thi hành án trong các trường hợp sau:

-  Trường hợp hết thời hạn tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện THA. (Căn cứ khoản 1 Điều 44 Luật thi hành án dân sự hiện hành). 

-  Trường hợp người thi hành án chưa có điều kiện thi hành án. (Căn cứ tại khoản 2 Điều 44 Luật thi hành án dân sự hiện hành).

-  Trường hợp cần phải xác minh lại điều kiện thi hành án. (Căn cứ khoản 5 Điều 44 Luật thi hành án dân sự hiện hành).

  •  Cơ quan thi hành án được ủy quyền xác minh:

Căn cứ khoản 3 Điều 44 Luật thi hành án dân sự hiện hành và khoản Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, trong trường hợp cần làm rõ thông tin về tài sản, nơi cư trú, nơi làm việc, trụ sở của người phải thi hành án hoặc các thông tin khác liên quan đến việc thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có thông tin trên.

  • Người được thi hành án:

Luật thi hành án dân sự hiện hành quy định về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, trong đó, tại điểm đ khoản 1 Điều 7 quy định: “Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”. Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 44 Luật thi hành án dân sự hiện hành quy định: “Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự...”

3.  Điều kiện và thời hạn xác minh điều kiện thi hành án

Thời hạn xác minh điều kiện thi hành án được quy định cụ thể trong từng trường hợp nhất định, tương ứng với từng điều kiện tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Căn cứ Điều 44 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014:

-  Thời hạn xác minh là trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành.

-  Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.

-  Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án:

+ Thời hạn ít nhất 6 tháng 1 lần.

+ Trường hợp người phải thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án: thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.

Căn cứ Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP:

Trường hợp cơ quan thi hành án được ủy quyền xác minh:

Đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Trường hợp việc xác minh tài sản khó khăn, phức tạp thì thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.

Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền là 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.

-  Trường hợp xác định việc chưa có điều kiện thi hành án quy định tại Điều 44a Luật thi hành án dân sự hiện hành:

+ Trong thời hạn 5 ngày, thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Sau đó, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh.

Cơ quan thi hành án dân sự chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi có đủ các điều kiện sau:

Một là, đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án;

Hai là, đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự;

Ba là, không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

4. Trình tự, thủ tục xác minh điều kiện thi hành án

  • Bước 1: Lập kế hoạch xác minh điều kiện thi hành án

Để góp phần bảo đảm việc xác minh được thuận lợi, hiệu quả, đúng pháp luật, tạo tính chủ động, khoa học trong việc giải quyết việc thi hành án của Chấp hành viên, Chấp hành viên trên cơ sở các thông tin khai thác được, lập kế hoạch xác minh điều kiện thi hành án. Kế hoạch xác minh thường bao gồm các nội dung:

-  Đối tượng xác minh: Để xác định đượng đối tượng chính xác cần dựa trên nội dung xác minh, từ đó quyết định đến việc lựa chọn địa điểm.

-  Nội dung cần xác minh: Xác minh điều kiện về nhân thân, tài sản của người phải thi hành án và xác minh các điều kiện khác.

-  Thành phần tham gia xác minh: gồm Chấp hành viên, hỗ trợ viên,...

-  Ngoài ra, cần xác định rõ mục đích, thời gian, địa điểm, phương tiện, nhân lực và các điều kiện khác cần có để tiến hành xác minh điều kiện thi hành án.

  • Bước 2: Thu thập thông tin xác minh điều kiện thi hành án

Để xác minh điều kiện thi hành án được chính xác, hiệu quả, Chấp hành viên cần tiến hành thu thập thông tin về người phải thi hành án. Công việc này cần phải được tiến hành trong suốt quá trình xác minh điều kiện thi hành án. Việc thu thập thông tin có thể bằng cách gián tiếp hoặc trực tiếp thông qua nhiều nguồn khác nhau:

-  Qua bản án, quyết định của Tòa án. Ví dụ: trong bản án, quyết định của Tòa án sẽ có một số thông tin quan trọng, cần thiết như: nơi cư trú, mối quan hệ của người phải thi hành án.

-  Qua người được thi hành án. Ví dụ: Người được thi hành án cũng phải tự mình xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin cho cơ quan thi hành án. Vì vậy, chấp hành viên cũng có thể coi đây là một nguồn cung cấp thông tin.

-  Qua người phải thi hành án. Đây là cách thu thập thông tin trực tiếp. Ví dụ: Chấp hành viên thông qua vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành.

-  Qua người khác. Ví dụ: Cháp hành viên thu thập thông tin thông qua việc hỏi bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, người thân của người phải thi hành án.

  • Bước 3: Tiến hành xác minh điều kiện thi hành án

Sau khi tiến hành xong các bước trên, căn cứ tại khoản 4 Điều 44 Luật thi hành án dân sự hiện hành, Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án thông qua các bước sau:

-  Xuất trình thẻ Chấp hành viên;

-  Xác minh điều kiện cụ thể:

Xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó;

Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác;

Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án;

+ Yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết;

Bên cạnh đó Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016-TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC  quy định: 

1. Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên căn cứ vào một trong các giấy tờ sau: hợp đồng mua bán, chuyển đi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản hoặc thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán tài sản.

  2. Đối với trường hợp đình chỉ thi hành án do người được thi hành án chết mà không có người thừa kế thì phải xác minh qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hộ khu, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thi hành án. Kết quả xác minh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng  trung ương để người có quyền, nghĩa vụ liên quan biết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo công khai hợp lệ mà không có người khiếu nại thì được coi là có căn cứ đình chỉ thi hành án.

-  Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh.

LS Hoàng Hồng Mơ


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc