Cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay các cặp đôi đồng tính trên thế giới và cả ở Việt Nam ngày càng nhiều. Vậy, theo pháp luật Việt Nam, hôn nhân đồng giới được quy định thế nào? Hãy cùng Công ty Luật Youth & Partners tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Thế nào là hôn nhân đồng giới?
Những người đồng tính là một bộ phận thuộc cộng đồng LGBT. “LGBT” là tên viết tắt của đồng tính nữ (L-lesbian), đồng tính nam (G-gay), song tính (B- Bisexual, thích cả hai giới nam và nữ), chuyển giới (T- Transgender, người có sinh ra có cảm nhận về tâm hồn thể xác trái ngược với giới tính sinh học của mình).
Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về mặt sinh học. Có thể là giữa hai người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ với nhau. Giữa họ tồn tại tình yêu, sự đồng cảm dành cho đối phương. Tính đến nay trên thế giới đã có 28 quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân giữa người cùng giới tính. Theo đó, họ có thể kết hôn hợp pháp, được pháp luật bảo vệ quyền lợi như những cặp vợ chồng khác.
2. Thực trạng hôn nhân đồng giới ở Việt Nam hiện nay
Ở Việt Nam, có một thống kê chưa chính thức từ tổ chức phi chính phủ CARE ước tính đến năm 2012 thì Việt Nam có khoảng từ 50.000 – 125.000 người đồng tính. Theo khảo sát hồi tháng 6/2012 của Tổ chức ICS hỏi ý kiến 5.000 người đồng tính về vấn đề hôn nhân, có 71,1% muốn kết hôn với người đồng giới, 24,7% muốn chung sống có đăng ký, chỉ 4,2% chấp nhận chung sống không đăng ký. Đến thời điểm hiện tại là 2021 thì con số này đã tăng lên rất nhiều.
3. Quy định của pháp luật Việt Nam về hôn nhân đồng giới
Trước đây, tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, kết hôn giữa những người có cùng giới tính là một trong 5 trường hợp cấm kết hôn. Vào thời điểm đó, các nhà làm luật cũng như mọi người không chấp nhận hôn nhân đồng giới tính.
Tuy nhiên, khi Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 được áp dụng, thay thế cho Luật năm 2000, thì kết hôn đồng giới không còn thuộc trường hợp bị cấm. Thay vào đó, tại Khoản 2, Điều 8 Luật mới chỉ quy định:
“Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính”
Qua quy định này cho thấy pháp luật đã thay đổi cách nhìn với hôn nhân đồng giới. Pháp luật không nghiêm cấm một cách cứng nhắc như trước đây. Pháp luật chỉ không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng giới. Do đó, các cặp đôi đồng tính vẫn có thể tổ chức đám cưới trên thực tế, vẫn được chung sống với nhau như vợ chồng nếu có nhu cầu nhưng về mặt pháp lý. Tuy nhiên sẽ không được Nhà nước thừa nhận là vợ chồng. Cùng với đó, Nghị định 110/2013/NĐ-CP cũng không quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kết hôn giữa những người đồng tính.