1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Doanh nghiệp và Đầu tư nước ngoài

Hộ kinh doanh tại Vĩnh Phúc cần nộp các loại thuế nào ?

2526 Doanh nghiệp và Đầu tư nước ngoài

Hộ kinh doanh tại Vĩnh Phúc cần nộp các loại thuế nào ?
MỤC LỤC

So với các loại hình Công ty TNHH, Công ty cổ phần... thì hộ kinh doanh có thủ tục thành lập khá đơn giản và dễ dàng. Là một tỉnh đang đầu tư phát triển mạnh mẽ với các khu công nghiệp thì tại Vĩnh Phúc, nhu cầu thành lập hộ kinh doanh không nhiều. Thành lập hộ kinh doanh chỉ đặt ra với những ai muốn kinh doanh quy mô nhỏ, dễ quản lý, phù hợp với những cá nhân hoặc hộ gia đình có nhu cầu kinh doanh nhỏ lẻ. Vậy thì sau khi thành lập, hộ kinh doanh cần nộp các loại thuế, phí nào? Công ty Luật TNHH Youth& Partners sẽ giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

Căn cứ pháp lý:

  • Luật doanh nghiệp 2020;
  • Luật quản lý thuế 2019;
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
  • Nghị định số 126/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định số 139/2016/NĐ-CP;
  • Nghị định số 22/2020/NĐ-CP;
  • Thông tư 40/2021/TT-BTC.

1. Hộ kinh doanh là gì?

  • Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
  • Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh.
  • Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
  • Chú ý: Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh

2. Hộ kinh doanh phải nộp những loại thuế gì?

* Lệ phí môn bài

hoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP quy định về việc miễn lệ phí môn bài đối với những hộ kinh doanh dưới đây:

  • Hộ kinh doanh sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá;
  • Hộ kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định;
  • Hộ kinh doanh thành lập sau ngày 25/02/2020: miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/12).

 

– Ngoài trường hợp trên, mức thu đối với HKD thuộc diện phải nộp lệ phí môn bài như sau:

+ Doanh thu từ trên 500 triệu đồng/năm là: 1.000.000 đồng/năm;

+ Doanh thu từ 300 đến 500 triệu đồng/năm là: 500.000 đồng/năm;

+ Doanh thu từ trên 100 đến 300 triệu đồng/năm là: 300.000 đồng/năm.

* Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân

Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định cụ thể 3 cách tính thuế (hay còn gọi là phương pháp tính thuế) cho hộ kinh doanh cá thể gồm:

  • Phương pháp kê khai:

Áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế phát sinh theo kỳ tháng hoặc quý

  • Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh: 

Áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định. Kinh doanh không thường xuyên được xác định tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn phương pháp khai thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này. Địa điểm kinh doanh cố định là nơi cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: địa điểm giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng, nhà kho, bến, bãi hoặc địa điểm tương tự khác.

Là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế từng lần phát sinh

  • Phương pháp khoán: 

Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.

Là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

Lưu ý: HKD, cá nhân kinh doanh được coi quy mô lớn nếu đáp ứng được 1 trong 2 tiêu chí sau:

  • Có số lao động tham gia BHXH bình quân năm từ 10 người trở lên.
  • Có tổng doanh thu của năm liền kề trước từ 3 tỷ đồng trở lên (đối với lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng) hoặc từ 10 tỷ đồng trở lên (đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ).

Như vậy: 

  • Hộ kinh doanh quy mô lớn chỉ được chọn 1 phương pháp khai thuế là: phương pháp kê khai.
  • Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ sẽ có 2 phương pháp khai thuế là: phương pháp kê khai và phương pháp khoán. 

- Nguyên tắc tính thuế GTGT và thuế TNCN cho hộ kinh doanh

Thông tư 40/2021/TT-BTC có hướng dẫn cách tính thuế GTGT và thuế TNCN theo phương pháp khoán cụ thể như sau:

  • Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu trong năm dương lịch từ 100 triệu trở xuống thì không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
  • Trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (hộ khoán) kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: hộ khoán mới ra kinh doanh, hộ khoán kinh doanh thường xuyên theo thời vụ, hộ khoán ngừng, tạm ngừng kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống được dùng để xác định hộ khoán không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
  • Doanh thu tính thuế thực tế để xác định mức thuế khoán phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh

- Cách tính thuế khoán cho hộ kinh doanh cá thể

Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

Công thức tính tiền thuế phải nộp:

  • Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
  • Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

  • Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Hộ kinh doanh tự xác định doanh thu tính thuế khoán trong năm trên Tờ khai thuế theo Mẫu số 01/CKTT-CNKD. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. 

  • Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN được áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
  • Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. 

Trên đây là hướng dẫn về các loại thuế mà hộ kinh doanh phải nộp sau khi thành lập tại Vĩnh Phúc. Hộ kinh doanh cần đặc biệt lưu ý để nộp thuế đúng, đủ theo quy định pháp luật. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông tin phía dưới để được giải đáp.

 NTQ

 


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc