1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Doanh nghiệp và Đầu tư nước ngoài

Pháp luật về hoà giải thương mại

2257 Doanh nghiệp và Đầu tư nước ngoài

Pháp luật về hoà giải thương mại
MỤC LỤC

Hoà giải thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Tại tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và tại các huyện lân cận tập trung nhiều khu công nghiệp như TP Phúc Yên, Bình Xuyên, hiện nhiều doanh nghiệp có sự liên kết, hợp tác cùng phát triển, do đó, không tránh khỏi việc phát sinh nhiều tranh chấp thương mại, đòi hòi phải có những phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu, triệt để. Với những ưu điểm, đặc biệt là việc bảo mật thông tin theo thỏa thuận của các bên, hòa giải thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế đang ngày càng được các doanh nghiệp ưa chuộng. Từ đó, các quy định của pháp luật về hòa giải ra đời đã trở thành là hành lang pháp lý quan trọng, góp phần khuyến khích giải quyết tranh chấp hòa giải, nâng cao hiệu quả của biệt sử dụng hòa giải, đặc biệt là lựa chọn phương thức hòa giải. Trong bài viết này, Luật sư của Công ty Luật TNHH Youth & Partners sẽ phân tích và làm rõ vấn đềPháp luật về hòa giải thương mại.

I, Khái quát chung về hòa giải thương mại

1, Định nghĩa về hoà giải thương mại

Tại Điều 317 Luật thương mại năm 2005 quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bao gồm: 

1. Thương lượng giữa các bên.

2. Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải.

3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định Về hòa giải thương mại: “1. Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.”

Hòa giải là một trong những phương pháp để giải quyết tranh chấp thương mại. Có thể hiểu “Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn ( bất đồng hoặc xung đột ) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại”. Hoạt động thương mại được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật thương mại năm 2005 là “hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

2, Ưu điểm và nhược điểm của hòa giải thương mại

  • Ưu điểm:

- Phương thức hòa giải có tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém. Bởi lẽ, nếu hòa giải thành công sẽ không cần phải tiến hành giải quyết tranh chấp thương mại bằng những phương thức khác, tránh được những thủ tục phức tạp, tiết kiệm thời gian…

- Phương thức hòa giải thương mại có cơ hội thành công cao. Bên thứ ba được lựa chọn là những người có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, am hiểu lĩnh vực và vấn đề đang tranh chấp, từ đó họ tìm hểu rõ nguyên nhân phát sinh tranh chấp, quan điểm của mỗi bên và giúp các bên dễ dàng thống nhất ý chí để đi hòa giải thành công tranh chấp.

- Sự tôn trọng và tự nguyện tuân thủ các cam kết đã đạt được trong quá trình hòa giải giữa các bên có mức độ cao. Do kết quả hòa giải đã được ghi nhận và chứng kiến bởi bên thứ ba.

  • Nhược điểm:

- Hòa giải khó đạt được kết quả như mong muốn vì xuất phát từ chính sự tự nguyện thi hành của mỗi bên tranh chấp. Tuy có sự trợ giúp của bên thứ ba nhưng giữa hai bên tranh chấp có một bên không tuân thủ, không trung thực và thiếu thiện chí thì sẽ không đạt được kết quả tốt.

- Trong phương thức hòa giải, uy tín và bí mật kinh doanh của các bên tranh chấp dễ bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, trong quá trình hòa giải, họ phải cung cấp, trao đổi thông tin về hoạt động kinh doanh của mình với bên thứ ba.

- Phương thức hòa giải vẫn có những tốn kém về chi phí nhất định do một hoặc các bên tranh chấp phải trả một khoản phí dịch vụ cho bên thứ ba làm trung gian hòa giải.

II, Pháp luật về hòa giải thương mại

1, Phạm vi, điều kiện, nguyên tắc của hòa giải thương mại

Về phạm vi, giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được quy định tại Điều 2 nghị địnhsố 22/2017/NĐ-CP:

1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

2. Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

3.Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.”

Về điều kiện, giải quyết tranh chấp thương mại được quy định tại Điều 6 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP: “Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp”. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định giải quyết bằng hòa giải thương mại; khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội để thành lập các tổ chức cung cấp hòa giải thương mại, khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại.

Về nguyên tắc, khi tham gia hòa giải thương mại các bên phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Theo đó, các bên tham gia hòa giải phải dựa trên tinh thần tự nguyện, không bên nào ép buộc bên nào, kết quả hòa giải phụ thuộc vào sự thống nhất ý chí của các bên, những nhận định và ý kiến của hòa giải viên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tính ràng buộc.

- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Khi tham gia vào quá trình hòa giải, các bên phải ký cam kết không tiết lộ những thông tin có được từ quá trình hòa giải. Nếu việc hòa giải không thành và các bên phải sử dụng trọng tài hay Tòa án để tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp thì những thông tin có được trong quá trình hòa giải sẽ không thể trở thành bằng chứng để chống lại một trong các bên. Bản thân hòa giải viên cũng phải cam kết giữ bí mật tất cả những thông tin do các bên cung cấp trong quá trình hòa giải. Nếu việc hòa giải không thành và các bên phải sử dụng trọng tài hay Tòa án để tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp thì các bên cũng không được yêu cầu triệu tập hòa giải viên với tư cách nhân chứng cho vụ tranh chấp.

- Hòa giải viên phải độc lập và khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấpĐây là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của quá trình hòa giải. Nguyên tắc này đòi hỏi hòa giải viên không được thể hiện thái độ thiên vị đối với bất cứ bên tranh chấp nào trong việc điều khiển quá trình hòa giải cũng như trong việc đưa ra các nhận định hay ý kiến tư vấn. 

- Hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khácTùy thuộc vào yêu cầu của bản quy tắc hòa giải của từng trung tâm hòa giải, nhìn chung, việc sử dụng phương thức hòa giải không làm ảnh hưởng đến việc các bên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác như Trọng tài hay Tòa án. Các bên có thể tiến hành hòa giải song song với quá trình tố tụng Trọng tài hay Tòa án. Đây cũng chính là một điểm hấp dẫn thể hiện sự linh hoạt của phương thức này.

- Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

2, Bên thứ ba trong hòa giải thương mại

Việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức hòa giải có thể được thực hiện bởi một hòa giải viên (cá nhân) hoặc một tổ chức hòa giải.

Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: “3Hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.”

Để trở thành một hòa giải viên, cần đáp ứng các điều kiện sau:

- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự. Theo Điều 19 Bộ luật dân sự năm 2015: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Người thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp là người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan. Có những phẩm chất này để đảm bảo được các nguyên tắc của hòa giải thương mại và để đạt được kết quả hòa giải khách quan, công bằng, chính xác nhất. Hòa giải viên thương mại là phải Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương; tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội; bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật…

- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên. Hòa giải viên phải là người có năng lực trình độ chuyên môn nhất định cũng như có bề dày kinh nghiệm để giải quyết vấn đề thật tốt.

- Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan. Khi đáp ứng được điều kiện này, hòa giải viên sẽ có đủ năng lực để xử lý, hiểu được mâu thuẫn giữa hai bên tranh chấp từ đó đưa ra những đề xuất trợ giúp cho quá trình hòa giải một cách tốt nhất.

Đó là những tiêu chuẩn cơ bản mà một hòa giải viên thương mại phải có, tuy nhiên, tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định các tiêu chuẩn khác cao hơn tiêu chuẩn trên.

Ngoài ra, có những trường hợp ngoại lệ không được làm hòa giải viên thương mại đó làngười đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Để trở thành hòa giải viên thương mại vụ việc thì cần phải đăng ký theo quy định tại Điều 8Nghị định số 22/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, Hòa giải viên thương mại có các quyền và nghĩa vụ nhất định và có những quy định về hành vi bị cấm được quy định chi tiết tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP.

Tổ chức hòa giải thương mại bao gồm:

1. Trung tâm hòa giải thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP.

2. Trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo pháp luật về trọng tài thương mại thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP.

Trung tâm hòa giải thương mại có các đặc điểm cơ bản sau:

- Được thành lập theo quy định của Nghị định này, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

- Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

- Được lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.

- Cơ cấu tổ chức của Trung tâm hòa giải thương mại do điều lệ của Trung tâm quy định. Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại là hòa giải viên thương mại.

3, Quy trình hòa giải thương mại

Trên thực tế, không có một quy trình hòa giải mang tính thống nhất trên toàn thế giới mà mỗi trung tâm hòa giải và mỗi hòa giải viên sẽ áp dụng những quy trình riêng phù hợp với nội dung và tính chất của vụ tranh chấp. Nhưng nhìn chung, hòa giải thương mại có quy trình như sau:

Một trong những điều kiện của hòa giải thương mại đó là các bên phải có thỏa thuận về hòa giải thương mại. Thỏa thuận này phải được xác lập bằng văn bản, có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thưc thỏa thuận riêng. 

Sau khi có thỏa thuận và khi có tranh chấp xảy ra, hòa giải thương mại sẽ được tiến hành theo quy trình sau:

  • Bước 1Các bên tranh chấp sẽ tiến hành lựa chọn hoặc chỉ định hòa giải viên thương mại.

Các bên thỏa thuận lựa chọn hòa giải viên từ danh sách hòa giải viên của tổ chức hòa giải thương mại hoặc ừ danh sách hòa giải viên vụ vuệc do Sở Tư pháp trực thuộc Trung ương công bố. Còn việc chỉ định hòa giải viên thương mại thông qua tổ chức hòa giải thương mại phải được thực hiện theo Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại đó.

  • Bước 2: Tiến hành hòa giải.

Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.

Các bên tranh chấp được lựa chọn địa điểm, thời gian, hòa giải viên thương mại, trình tự, thủ tục hòa giải. Trong quá trình hòa giải, các bên tranh chấp phải trình bày trung thực về các tình tiết của tranh chấp, các tài liệu có liên quan đến tranh chấp. Các bên trao đổi với nhau về những thông tin, tài liệu để làm rõ yêu cầu cũng như khả năng, vị thế của mỗi bên đồng thời thương thảo lựa chọn bên thứ ba nếu các bên chưa có thỏa thuận hoặc mới có thỏa thuận mang tính nguyên tắc về trung gian hòa giải. Bên cạnh đí, các bên được bày tỏ ý chí, quyết định của mình về nội dung hòa giải, các bên cũng có thể đồng ý, từ chối hoặc yêu cầm tạm dừng hòa giải.

Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên tiến hành. Hòa giải viên bằng trình độ, kinh nghiệm của mình phân tích, đánh giá các tình tiết của vụ việc, làm sáng tỏ vị thế của các bên tranh chấp từ đó đưa ra những ý kiến đề xuất để giải quyết tranh chấp.

  • Bước 3: Kết quả hòa giải và chấm dứt thủ tục hòa giải

- Trường hợp 1: Kết quả hòa giải thành

Sau khi tiến hành hòa giải, các bên đi đến kết quả hòa giải. Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên phải lập văn bản về kết quả đó. Văn bản này có giá trị pháp lý như một bản hợp đồng và có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự, các bên phải thi hành kết quả hòa giải thành. Khi đã đạt được kết quả hòa giải thành, hòa giải thương mại chấm dứt.

- Trường hợp 2: Kết quả hòa giải không thành

Nếu không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên tranh chấp có thể tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Thủ tục hòa giải cũng có thể được chấm dứt bởi một trong các trường hợp sau:

- Khi các bên đạt được kết quả hòa giải thành.

- Khi hòa giải viên thương mại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện hòa giải, sau khi tham khảo ý kiến của các bên.

- Theo đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp.

 LS Hoàng Hồng Mơ


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc