Hiện nay, trong quá trình kinh doanh việc bảo mật thông tin là điều quan trọng và hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp luôn là vấn đề sống còn của một công ty/doanh nghiệp. Trên thực tế để hạn chế việc các thông tin của doanh nghiệp bị rò rỉ ra ngoài, nhất là rơi vào tay các công ty/doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh, thì sẽ gây ra nhiều thiệt hại vô cùng to lớn cho doanh nghiệp. Do đó có tồn tại một thỏa thuận gọi là Thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh (Thỏa thuận NDA).
I. Bảo mật thông tin và không cạnh tranh được hiểu như thế nào?
NDA – Non-disclosure Agreement (Thỏa thuận bảo mật) và
NCA – Non-compete Agreement (Thỏa thuận không cạnh tranh) là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc NLĐ cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin, bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của công ty. Những nội dung cơ bản của thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh gồm: quy định những thông tin bảo mật; phạm vi bảo mật; thời hạn bảo mật; nghĩa vụ của NLĐ; trách nhiệm khi vi phạm thỏa thuận, v.v…
Khi những hành vi như tiết lộ Thông tin Mật cho đối thủ cạnh tranh của công ty để kiếm lợi bất chính; hoặc NLĐ sẽ thành lập hoặc tham gia vào một công ty kinh doanh cùng ngành nghề với chính công ty mà NLĐ đã từng làm việc để tạo ra lợi ích riêng cho bản thân như lôi kéo khách hàng, nhân viên của công ty mà mình đã từng làm việc. Điều đó xảy ra sẽ gây thiệt hại nặng nề cho công ty. Do đó, công ty cần thiết lập rào cản pháp lý để bảo vệ Thông tin Mật của mình bởi lẽ công ty đã tốn rất nhiều chi phí và nhân lực để có được những Thông tin Mật này. Rào cản này chính là các điều khoản thoả thuận không cạnh tranh mà chúng ta thường thấy trong các hợp đồng lao động của các công ty nước ngoài. Mục đích của thoả thuận không cạnh tranh là nhằm ngăn cản những hành vi gây thiệt hại cho công ty như đã nêu ở trên.
II. Giá trị pháp lý của thỏa thuận không cạnh tranh, thỏa thuận bảo mật?
Bộ Luật lao động 2019 đã ghi nhận:
“NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp NLĐ vi phạm. Ngoài ra, Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ 2019 cũng đã xác định cụ thể về các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, một trong số đó chính là việc “bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó”.
Qua đó, nhìn chung, pháp luật Việt Nam cho phép NLĐ và NSDLĐ tự thỏa thuận trong việc kí kết NDA và NCA nhằm mục đích bảo hộ bí mật kinh doanh của NSDLĐ, tuy nhiên chưa đề cập đến vấn đề khung pháp lý trực tiếp cho nội dung này, đặc biệt là chưa có quy định nào điều chỉnh đối với điều khoản không cạnh tranh trong NDA và NCA. Do đó, việc công nhận và áp dụng thỏa thuận không cạnh tranh trong thực tiễn pháp luật Việt Nam còn tùy thuộc vào tính hợp lý của thỏa thuận đó và quan điểm của Tòa án trong từng trường hợp cụ thể.
III. Khuyến nghị cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp nên ký thoả thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh với những người lao động nhằm để đảm bảo các lợi ích của mình trong việc kinh doanh, sản xuất. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất: Các doanh nghiệp nên đưa ra các thoả thuận này ngay từ đầu đối với từng NLĐ, thông qua đó sẽ giúp cho doanh nghiệp “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để đạt được hiệu quả tốt nhất thì phía doanh nghiệp nên thống kê đầy đủ và chi tiết các tài liệu, các thông tin cần bảo mật. Chính việc làm này sẽ giúp cho các doanh nghiệp hạn chế được tối đa các tranh chấp về sau.
- Thứ hai: Doanh nghiệp nên soạn thảo riêng một Thỏa thuận NDA tách biệt với HĐLĐ. Khi đó, Thỏa thuận không cạnh tranh này sẽ được coi là một hợp đồng dân sự và nó không phụ thuộc vào HĐLĐ, cụ thể trong trường hợp HĐLĐ chấm dứt hiệu lực thì Thỏa thuận bảo mật và không cạnh tranh này vẫn có giá trị pháp lý để ràng buộc NLĐ.
- Thứ ba: Văn bản thoả thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh cần phải có đầy đủ các nội dung về đối thủ cạnh tranh, về phạm vi, về thời gian thực hiện và các hậu quả nếu họ vi phạm. Bên cạnh đó, thì phía doanh nghiệp cũng phải cần đề cập đầy đủ đến các lợi ích mà phía người lao động mà họ sẽ được hưởng khi làm đúng thoả thuận.
Trên đây là một vài vấn đề của Thoả thuận Bảo mật thông tin và không Cạnh tranh (NDA) mà Công ty Luật TNHH Youth & Partners đã tìm hiểu và cập nhật, cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi.
TL