Hiện nay, khi hoạt động kinh doanh được trở lại bình thường trong điều kiện mới thì việc mua bán công ty diễn ra rất nhiều và phổ biến hơn. Công ty TNHH 1 thành viên là loại hình doanh nghiệp chỉ do một cá nhân, tổ chức làm chủ sở hữu. Vì vậy, thủ tục mua lại công ty TNHH 1 thành viên đơn giản hơn các loại hình doanh nghiệp khác.
I. Điều kiện để được mua lại công ty TNHH một thành viên
Theo quy định tại Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty TNHH một thành viên chỉ có một chủ sở hữu đồng thời là người góp vốn duy nhất. Chủ sở hữu công ty có toàn quyền chuyển nhượng và định đoạt toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty.
Trường hợp chủ sở hữu công ty TNHH MTV chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác thì công ty phải tiến hành thay đổi chủ sở hữu công ty. Bản chất của việc mua bán doanh nghiệp là chủ sở hữu công ty chuyển nhượng toàn bộ phần vốn cho tổ chức, cá nhân mua lại.
Vậy nên, cá nhân, tổ chức có thể mua lại công ty TNHH một thành viên khi nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của chủ sở hữu. Khi đó họ sẽ thành chủ sở hữu mới của công ty.
II. Căn cứ mua bán công ty TNHH một thành viên
Theo quy định 76, 77 Luật doanh nghiệp 2020:
Chủ sở hữu công ty có quyền quyết định chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác;
Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác.
Bản chất của việc mua bán doanh nghiệp là chủ sở hữu công ty chuyển nhượng toàn bộ phần vốn cho tổ chức, cá nhân mua lại.
III. Quy trình mua bán công ty TNHH một thành viên
Bước 1:Chuẩn bị hồ sơ chuyển nhượng vốn góp và thanh toán giá trị chuyển nhượng
Hai bên mua bán thỏa thuận giá chuyển nhượng và ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp.
Đối với cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có thể thanh toán qua hai hình thức: chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng hoặc thanh toán bằng tiền mặt (đối với cá nhân Việt Nam).
Đối với tổ chức là doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn không được sử dụng tiền mặt để thanh toán khi thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.
Bước 2: Nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh, kê khai thuế thu nhập cá nhân
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thay đổi đăng ký kinh doanh, công ty có nghĩa vụ thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh;
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển nhượng, cá nhân hoặc công ty phải nộp hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân chuyển nhượng tại cơ quan thuế quản lý.
Hồ sơ thay đổi đăng ký doanh nghiệp
Thông báo thay đổi chủ sở hữu công ty;
Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty;
Quyết định của chủ sở hữu công ty;
Hợp đồng chuyển nhượng và biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng;
Bản công chứng Giấy tờ chức thực cá nhân của cá nhân người nhận chuyển nhượng hoặc Giấy tờ pháp lý của tổ chức nhận chuyển nhượng;
Ủy quyền nộp hồ sơ; giấy tờ chứng thực cá nhân của người nộp hồ sơ công chứng.
Bước 3: Nhận kết quả Đăng ký kinh doanh hoàn thành thủ tục chuyển nhượng công ty
IV. Lưu ý khi mua bán công ty TNHH một thành viên
Lưu ý về nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân
Cá nhân phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng vốn phải thực hiện kê khai thuế TNCN theo từng lần phát sinh.
Các tính số thuế phải nộp:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất 20%
Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng – Giá mua của phần vốn góp
Trường hợp chuyển nhượng ngang giá, thuế phải nộp bằng không. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện kê khai thuế TNCN đúng quy định.
Lưu ý về tính giá chuyển nhượng
Các bên mua bán có thể tự thỏa thuận giá chuyển nhượng, thông thường các bên căn cứ vào giá trị tài sản công ty ghi nhận trong Báo cáo tài chính để định giá và thỏa thuận giá chuyển nhượng. Trường hợp cần thiết hai bên có thể thuê đơn vị định giá tài sản để tính giá chuyển nhượng.
Giá chuyển nhượng có thể bằng hoặc cao hơn, thấp hơn vốn điều lệ ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bên mua, bán cần thỏa thuận kỹ về các tài sản đứng tên công ty, các tài sản về quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết để tính giá trị chuyển nhượng phù hợp.
Khi nộp thuế TNCN, cơ quan thuế có thể ấn định giá chuyển nhượng để tính thuế TNCN phải nộp trong trường hợp thấy giá chuyển nhượng theo thỏa thuận của hai bên không có cơ sở.
Bên cạnh đó, khi tiến hành mua lại Công ty TNHH một thành viên người nhận chuyển nhượng cũng cần kiểm tra thêm các thông tin của công ty như
- Thông tin về tình trạng hoạt động của công ty;
- Tình trạng sử dụng người lao động, bảo hiểm của người lao động;
Trân trọng!
LS Lưu Thị Dung