1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Hôn nhân và gia đình

ĐIỀU KIỆN KẾT HÔN TẠI VĨNH TƯỜNG, VĨNH PHÚC

2444 Hôn nhân và gia đình

ĐIỀU KIỆN KẾT HÔN TẠI VĨNH TƯỜNG, VĨNH PHÚC
MỤC LỤC

     Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân, phát sinh các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, là cơ sở để hình thành nên gia đình – tế bào của xã hội. Kết hôn là sự tự nguyện, mong ước của các đôi nam nữ nhưng phải trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về điều kiện cũng như thủ tục kết hôn. Để hiểu rõ hơn Công ty Luật TNHH Youth& Partners đưa ra điều kiện kết hôn theo quy định mới nhất của Luật Hôn nhân & Gia đình tại Vĩnh Yên, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc.

1.    Khái niệm kết hôn

     Theo khoản 5 điều 3 Luật hôn nhân gia đình 2014 : kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn.

     Pháp luật hiện nay quy định việc kết hôn của nam nữ phải dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân lao động.

2.    Điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014

     Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật hôn nhân gia đình 2014, có quy định Điều kiện đăng ký kết hôn như sau:

2.1.        Điều kiện về độ tuổi kết hôn

     Tuổi kết hôn là tuổi tối thiểu cho phép nam nữ kết hôn, lúc đó thì hôn nhân mới được công nhận là hợp pháp. Ở mỗi quốc gia độ tuổi là khác nhau do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhìn chung độ tuổi kết hôn là 18 tuổi ở nhiều quốc gia, tuy nhiên nhiều nước cho phép độ tuổi kết hôn sớm hơn, hoặc muộn hơn.

     Điều kiện kết hôn đầu tiên là điều kiện về độ tuổi kết hôn, theo luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định  “nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên” mới được kết hôn, so với “nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên” như Luật HNGĐ 2000. Sự thay đổi này thể hiện sự tiến bộ trong việc xây dựng pháp luật nhằm giải quyết những bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật.

     Từ sự thay đổi tiến bộ này, Luật HNGĐ 2014 đã  khắc phục nhiều điểm không hợp lí về độ tuổi kết hôn của Luật HNGĐ năm 2000, như:

- Về tâm sinh lí: khi người phụ nữ đủ 18 tuổi thì cơ thể hoàn thiện, việc mang thai và sinh con sẽ an toàn hơn, mặt khác khi này tâm lí đã hoàn thiện nên việc tiếp nhận khối lượng kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống sẽ tốt hơn, xử lý được các vấn đề trong cuộc sống.

- Về mặt lập pháp: thiếu sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật. Theo quy định của BLDS thì người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hoặc pháp luật có quy định khác. Đồng thời, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Như vậy, nếu cho phép người chưa đủ 18 tuổi kết hôn không những tạo ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật mà còn hạn chế một số quyền của người nữ khi xác lập giao dịch, hạn chế quyền yêu cầu ly hôn (phải có người đại diện). Luật HNGĐ 2014 quy định tuổi kết hôn từ đủ 18 tuổi giúp đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo đầy đủ quyền, nghĩa vụ dân sự của người nữ.

ð Luật HNGĐ 2014 quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu là rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong việc xác lập hôn nhân, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của con người, phù hợp với thực tiễn đời sống hôn nhân và gia đình xã hội Việt Nam. Quy định này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với sức khỏe của nam và nữ, đảm bảo cho họ có thể đảm đương được trách nhiệm của mình đối với gia đình, đồng thời còn đảm bảo cho con cái sinh ra được khỏe mạnh về thể lực lẫn trí tuệ.

2.2.        Sự tự nguyện của hai bên kết hôn

     Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và gia đình. Tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: “b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;”. Tự nguyện kết hôn được hiểu là việc hai bên nam, nữ tự mình quyết định việc kết hôn và thể hiện ý chí là mong muốn trở thành vợ, chồng của nhau. Mỗi bên nam, nữ không bị tác động bởi bên kia hay của bất kỳ người nào khác khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ. Sự thể hiện ý chí phải thống nhất với ý chí. Hai bên nam, nữ mong muốn trở thành vợ, chồng xuất phát từ tình yêu thương giữa họ và nhằm mục đích là cùng xây dựng gia đình sự tự nguyện của bên nam, nữ trong việc kết hôn phải thể hiện rõ là họ mong muốn được gắn bó với nhau, cùng nhau chung sống suốt đời nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm giữa hai người. Sự tự nguyện của các bên trong việc kết hôn là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hôn nhân có thể tồn tại lâu dài bền vững.

     Đồng thời để bảo đảm sự tự nguyện trong kết hôn pháp luật đã có quy định tại điểm b khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cấm: “Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;”

     Sự tự nguyện của các bên phải xuất phát từ tình yêu chân chính giữa họ, đồng thời sự tự nguyện nam nữ trong việc kết hôn là nhằm xây dựng gia đình và cùng nhau chung sống lâu dài, vì vậy trong trường hợp các bên có sự tự nguyện, nhưng không vì mục đích hôn nhân mà nhằm mục đích vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội thì sẽ không được Nhà nước công nhận và sẽ bị xử hủy. Việc kết hôn do hai bên nam nữ tự quyết định, không chịu tác động của bên kia hoặc bất kỳ người nào. Việc kết hôn do bị cưỡng ép, lừa dối thì không được pháp luật công nhận.

     Sự tự nguyện của các bên phải được biểu hiện thông qua thủ tục đăng kí kết hôn, để đảm bảo việc kết hôn hoàn toàn tự nguyện, hai bên nam nữ phải cùng có mặt tại cơ quan có thẩm quyền về đăng kí kết hôn, nộp tờ khai đăng ký kết hôn, ngày mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành đăng kí kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn thì cả hai bên nam và nữ vẫn phải có mặt.

ð Quy định trên của pháp luật đảm bảo quyền con người của các bên kết hôn, đảm bảo sự tự nguyện trong hôn nhân, góp phần giảm những tình trạng kết hôn vì mục đích khác hay những trường hợp cưỡng ép kết hôn, lừa dối và cản trở kết hôn.

2.3.        Người kết hôn không phải người mất năng lực hành vi dân sự


     Theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định người kết hôn phải là người : “Không bị mất năng lực hành vi dân sự”.

     Điều kiện để coi một người bị mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại khoản 1 điều 22 Bộ luật dân sự 2015 như sau: 


     Như vậy nếu một người mà bị mắc bệnh tâm thần hoặc mộ bệnh khác làm mất đi khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình khi bị Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức hữu quan thì người đó không đủ điều kiện để kết hôn.

Quy định này của pháp luật xuất phát từ tình nhân đạo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng, con cái và các thành viên khác trong gia đình. Bởi vì sau khi kết hôn thì họ phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một người vợ, người chồng đối với người còn lại và trách nhiệm với các thành viên khác trong gia đình. Vì thế nếu một người mất năng lực hành vi dân sự mà được phép kết hôn thì sau khi kết hôn họ không thể hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mình phát sinh do việc kết hôn, sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên khác trong gia đình. Mặt khác, chúng ta cũng không xác định được họ có tự nguyện kết hôn hay không vì họ hoàn toàn không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì sự thể hiện mong muốn tự nguyện kết hôn của họ cũng là bất khả thi. Quy định này của pháp luật còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người kết hôn.

2.4.        Việc kết hôn không thuộc các trường hợp cấm kết hôn

     Theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 8 và các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì có 4 trường hợp cấm kết hôn như sau:

a.    Kết hôn giả tạo

     Theo khoản 11 điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì : 


     Mục đích chính của hai bên nam nữ khi kết hôn và xác lập quan hệ hôn nhân chính là cùng nhau xây dựng gia đình, thỏa mãn nhu cầu tình cảm giữa vợ và chồng. Và sau khi kết hôn thì vợ chồng sẽ thực hiện chức năng của gia đình như chức năng sinh đẻ, chức năng giáo dục và chức năng kinh tế. Nhưng mục đích chính của việc kết hôn giả tạo lại hướng đến việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình. Chính vì vậy mà pháp luật nghiêm cấm việc kết hôn giả tạo để duy trì tính chất tốt đẹp của hôn nhân, để tránh việc hôn nhân biến thành phương tiện lợi dụng của một bộ phận con người và gây ảnh ưởng tiêu cực đến các vấn đề kinh tế - xã hội của các quốc gia.

b.    Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn

     Tảo hôn là việc kết hôn mà một trong hai bên nam, nữ hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định về độ tuổi kết hôn, cụ thể là nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi. Việc cấm kết hôn khi chưa đủ tuổi kết hôn theo luật định là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với những nghiên cứu y học về sự phát triển của con người Việt Nam và các quy định pháp khác liên quan. Do đó, pháp luật cấm các trường hợp nam, nữ chưa đủ tuổi kết hôn mà kết hôn.

     Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.

     Lừa dối kết hôn là việc một bên có hành vi cố ý làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của quan hệ đó, có thể là bằng lời nói, sử dụng các phương tiện kết hợp hành vi gây hiểu sai lệch cho đối phương.

     Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

ð Nhà nước cấm kết hôn đối với những trường hợp trên để đảm bảo sự tự nguyện, tiến bộ trong kết hôn của các bên, tránh gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và quyền lợi của  những người kết hôn, gây hậu quả xấu cho gia đình và xã hội.

c.     Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ

     Người đã có vợ, có chồng được hiểu là:

 + Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật mà quan hệ hôn nhân của họ chưa bị chấm dứt do ly hôn hoặc do một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.

+ Người sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

+ Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa ly hôn, không có sự kiện vợ (chồng) chết hoặc vợ (chồng) của họ bị tuyên bố là đã chết.

     Hôn nhân một vợ một chồng là nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình của Việt Nam được ghi nhận tại khoản 1 điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng – nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được ghi nhận trong Hiến pháp và Luật Hôn nhân và gia đình. Quy định này đảm bảo nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng trong chế độ hôn nhân ở Việt Nam. Theo đó, chỉ người chưa có vợ, có chồng hoặc đã có vợ, có chồng nhưng đã ly hôn theo quyết định hoặc bản án có hiệu lực của Tòa án thì mới được phép kết hôn. Các trường hợp vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

d.    Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng

     Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Việc quy định như vậy là dựa trên kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y học, các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ việc kết hôn gần gũi về huyết thống trong phạm vi trực hệ hoặc ba đời sẽ để lại nhiều di chứng cho thế hệ đời sau. Những đứa con sinh ra từ các cặp cha mẹ như vậy thường sẽ bị mắc các bệnh về nhiễm sắc thể, tỷ lệ tử vong cao, điều này làm suy giảm giống nòi, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Do đó quy định cấm kết hôn giữa những người có mối liên hệ huyết thống trong phạm vi ba đời là hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo cho con sinh ra được khỏe mạnh, không dị tật bẩm sinh, làm lành mạnh các mối quan hệ và phù hợp hợp với truyền thống đạo đức nước ta.

LHY


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc