1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Hôn nhân và gia đình

Quy định của pháp luật Việt Nam về mang thai vì mục đích nhân đạo

2837 Hôn nhân và gia đình

Quy định của pháp luật Việt Nam về mang thai vì mục đích nhân đạo
MỤC LỤC

Gia đình là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục. Hai người được coi là chung một gia đình khi có sự kiện pháp lí là đăng kí kết hôn. Tuy nhiên, hiện nay ở các cặp vợ chồng, tình trạng vô sinh ngày càng nhiều, vợ chồng hiếm muộn hay đơn giản là không muốn trực tiếp sinh con để giữ vóc dáng thì nhu cầu mang thai hộ, nhu cầu thuê đẻ thực sự có thật, tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhu cầu này cũng ngày càng gia tăng. Vậy nên để hạn chế cũng như để hoàn thiện hệ thống pháp luật trong việc quản lí vấn đề này, pháp luật nước ta quy đinh về vấn đề mang thai hộ. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Hiện nay mang thai hộ đã được pháp luật cho phép và quy định về chế định này trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Việc quy định về mang thai hộ với mục đích nhân đạo trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã phần nào đáp ứng được nhu cầu sinh con hiếm muộn cho gia đình hiếm muộn. Hãy cùng Công ty Luật TNHH Youth & Partners tìm hiểu nội dung này.

 

A. Một số khái niệm liên quan

Khoản 21 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.”

Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.”

Khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.”

Ý nghĩa

Thứ nhất, tạo khung pháp lý an toàn trong các giao dịch mang thai hộ và có cơ chế phân biệt được với trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại như hiện nay;

Thứ hai, giúp các cơ quan chức năng có thể kiểm soát được một phần nào đó nhu cầu mang thai hộ hiện nay;

Thứ ba, bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em;

Thứ tư, khi được pháp luật điều chỉnh thì các bên sẽ có cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn để ràng buộc lẫn nhau, tránh tình trạng vi phạm như không chịu trả con hoặc không chịu nhận con, có những căn cứ để giải quyết tranh chấp.

Như vậy, đây là một việc làm tốt và có sự kiểm soát nhất định về mặt thực tiễn của như luật pháp, việc thực hiện công việc này bảo đảm sẽ có những lợi ích cũng như ý nghĩa nhất định đối với cuộc sống.

B. Pháp luật hôn nhân gia đình Việt Nam hiện hành về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1.  Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1.1. Thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và lập thành văn bản

Căn cứ Khoản 1 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.” Đây là điều kiện chung đối với người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ, họ phải thỏa thuận với nhau xuất phát từ ý chí tự nguyện của cả hai bên và thỏa thuận đó phải được lập thành văn bản. Văn bản quy định trong Khoản 1 Điều 95 là thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Căn cứ Khoản 1 Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ phải có các nội dụng sau đây: Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định tại Điều 95 của Luật này; cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật này; việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan; trách nhiêm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.

Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuận hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này. Thỏa thuận mang thai hộ được xác lập giữa bố mẹ đứa trẻ và người mang thai hộ, đồng thời làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Vì vậy, những vấn đề pháp lý liên quan đến thỏa thuận này cũng được quy định cụ thể. Khi văn bản này, được công chứng hoặc chứng thực thì đồng nghĩa với việc nhà nước thể hiện ý chí chấp nhận và bảo vệ văn bản này, đảm bảo thực hiện văn bản này của các bên.

Mặt khác, thỏa thuận này cũng quy định các nghĩa vụ đối với các bên trong việc thực hiện thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo khi các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo thỏa thuận đã cam kết. Các nghĩa vụ được quy định tại Điều 97 và Điều 98 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Xuất phát từ tính đặc thù của giao dịch không phải là một loại hàng hóa hoặc dịch vụ mà là một con người. Vì vậy, trong thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không thể đặt ra các điều kiện về giới tính (đứa trẻ phải là trai hay gái), về trọng lượng, màu da, cũng như các điều kiện khác về tình trạng sức khỏe.

1.2. Điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ

Có giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đó là các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện thụ tinh trong ống nghiệm. Điều kiện này đặt ra thì việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đó là các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện thụ tinh trong ống nghiệm. Điều kiện này đặt ra thì việc áp dụng biện pháp mang thai hộ xảy ra khi người phụ nữ nhờ mang thai hộ không thể mang thai và sinh con dù họ đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản, đối với họ mang thai hộ là biện pháp cuối cùng có con. Điều kiện về cơ sở y tế trên là phải có ít nhất 01 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300 ca. Chưa vi pháp pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lời cho người dân.

Vợ chồng đang không có con chung. Quy định đặt ra điều kiện này thì những cặp vợ chồng đã có con chung với nhau nhưng muốn có thêm đứa con nữa nhưng người vợ không thể mang thai và sinh con được họ muốn nhờ người mang thai hộ thì nhà nước ta không cho phép vì việc quy định mang thai hộ vào trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là để cho các cặp vợ chồng không có con mà họ có nguyện vọng có con, quy định mang thai hộ đáp ứng nguyện vọng cho những người không có con để thỏa khát khao có con của họ chứ không dành cho những cặp vợ chồng đã có con nhưng lại muốn có thêm đứa con nữa.

Bên nhờ mang thai hộ cũng cần được tư vấn một số vấn đề về y tế, pháp lý, tâm lý như sau: Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi; quy trình thực hiện mang thai hộ; các khó khăn có thể có khi thực hiện mang thai hộ; tỷ lệ thành công của kỹ thuận có thể rất thấp nếu dự trữ buồng trứng thấp hay trên 35 tuổi; chi phí điều trị cao; các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ lên cặp vợ chồng, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; khả năng đa thai. Người mang thai hộ có thể có ý muốn giữ đứa trẻ sau sinh; khả năng đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh; nguy cơ các hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đứa trẻ.

1.3. Điều kiện đối với người mang thai hộ

Người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ và bên chồng nhờ mang thai hộ. Quy định đối tượng người mang thai hộ là người thân thích cùng hàng thì nhà nước ta đã giới hạn lại những người được phép mang thai hộ để tránh việc biến tướng của việc mang thai hộ mất đi giá trị nhân văn vốn có của nó. Người không quen biết mà họ nhận giúp thì rõ ràng rất khó có thể vì sự chia sẻ, giúp đỡ, đa phần họ nhận giúp vì lợi ích kinh tế hoặc một lợi ích khác. Người thân thích cùng hàng ở đây là chị hoặc em của bên vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ gồm: chị ruột, em ruột, chị họ, em họ trong phạm vi ba đời và kể cả có quan hệ nuôi dưỡng. Quy định “cùng hàng” với vợ hoặc chồng tránh việc làm đảo lộn thứ bậc, khó phân biệt thứ bậc gây khó khăn trong xưng hộ giữa các thành viên trong gia đình, họ hàng.

Người được nhờ mang thai hộ đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Người phụ nữ muốn mang thai hộ thì họ phải đã từng sinh con, không giới hạn số lần đới với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật này và Bộ luật dân sự. Bởi lẽ, người mang thai hộ có những điều kiện phù hợp nhất để nuôi dưỡng đứa trẻ để có thể phát triển một cách tốt nhất và có quan hệ huyết thống nên có sự gần gũi với đứa trẻ hơn ai hết. Trường hợp bên mang thai hộ không có nhu cầu nhận nuôi đứa trẻ thì người giám hộ của đứa trẻ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, trong trường hợp cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì đứa trẻ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, trong trường hợp cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì đứa bé thuộc trường hợp được giám hộ quy định tại Điều 47 Bộ luật dân sự năm 2015: “Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”. Vì điều kiện của mang thai hộ là bên nhờ mang thai hộ phải chưa có con chung nên người giám hộ đương nhiên của đứa trẻ sẽ là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ (Điều 52 Bộ luật dân sự năm 2015). Nếu đứa bé không còn ai thân thích là người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Tuổi tối thiểu của người mang thai hộ là đủ 18 tuổi. Khả năng mang thai hộ phụ thuộc vào sức khỏe của người mang thai hộ. Cơ sở khám bênh, chữa bệnh kiểm tra và kết luận về khả năng mang thai hộ của bên mang thai hộ.

Phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng (nếu người này đang có chồng). Quá trình thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc, tâm lý, sức khỏe của người mang thai hộ. Do đó, nếu người mang thai hộ đang có chồng thì việc mang thai hộ phải có sự đồng ý của người chồng.

Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Người mang thai hộ được tư vấn về y tế để có thể biết trước các khả năng có thể xảy ra nguy cơ, tai biến trong quá trình mang thai như: sảy thai, thai ngoài tử cung, khả năng bỏ thai, băng huyết sau sinh, khả năng mổ lấy thai, khả năng em bé bị dị tật... Tư vấn về pháp lý để người mang thai hộ biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Tư vấn về tâm lý giúp người mang thai hộ biết trước những vấn đề có thể xảy ra để chuẩn bị về tâm lý như: khả năng có sự phản đối từ phía gia đình, bạn bè trong thời gian mang thai hộ; có thể mặc cảm tội lỗi nếu sảy thai; ảnh hưởng tâm lý đối với con đẻ của mình; có thể có cảm giác mất mát khi giao con cho bên nhờ mang thai hộ...

2. Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ (sau đây gọi là bên nhờ mang thai hộ) và vợ chồng người mang thai hộ (sau đây gọi là bên mang thai hộ) phải có các nội dung cơ bản sau:

Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan quy định tại Điều 95 của Luật hôn nhân và gia đình 2014;

Cam kế thực hiện các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật hôn nhân và gia đình 2014;

Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa, hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan;

Trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.

Thỏa thuận về việc mang thai hộ phải được lập thành văn bản có công chứng. Trong trường hợp vợ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa bên mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế này.

3. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ

3.1. Quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ 

“Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ.” (khoản 1 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.” (khoản 2 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

“Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.” (khoản 3, 4, 5 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

3.2. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ 

Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.

Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan.

Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.” (Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

4. Xác định cha mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về vấn đề xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai vì mục đích nhân đạo như sau:

"Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.

Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con. (khoản 5 điều 98 luật HNGĐ 2014) 

 5.  Giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật 

hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ.

Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật này và Bộ luật dân sự.

LS Hoàng Hồng Mơ


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc