Ngày nay, nhịp sống của con người ngày một hiện đại, điều này đã góp một không nhỏ đối với sự phát triển của toàn xã hội. Song, chính sự vội vã, hối hả đó cũng đã kéo theo nhiều mặt trái trong đời sống. Tiêu biểu nhất đó là thực trạng ly hôn có xu hướng gia tăng một cách chóng mặt. Để bắt kịp với yêu cầu của thực tế, nhà nước cũng đã tạo ra hành lang pháp lý góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, một trong các quy định của pháp luật về vấn đề ly hôn là quyền yêu cầu ly hôn. Để hiểu rõ hơn Công ty Luật TNHH Youth& Partners đưa ra quy định về quyền yêu cầu ly hôn tại Vĩnh Yên, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc.
1.Khái niệm quyền yêu cầu ly hôn
Quyền ly hôn là một quyền Hiến định được quy định tại Điều 36 Hiến pháp năm 2013, Điều 39 Bộ luật dân sự năm 2015 và được cụ thể hóa chi tiết trong Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014. Để thực hiện việc chấm dứt quan hệ vợ chồng đã được pháp luật công nhận, chủ thể được pháp luật trao quyền thực hiện quyền yêu cầu giải quyết ly hôn với Tòa án có thẩm quyền.
2.Quy định về quyền yêu cầu ly hôn
Tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nội dung khoản 1 được hiểu là vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền yêu cầu ly hôn. Trong suốt thời kì hôn nhân, người vợ và người chồng đều có quyền ly hôn như nhau, không ai được cưỡng ép, lừa dối, cản trở vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng trong việc thực hiện quyền yêu cầu ly hôn.
Theo quy định tại khoản 2, có thể thấy ngoài vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 còn quy định thêm một nhóm chủ thể nữa cũng có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, đó là cha, mẹ, người thân thích khác của vợ hoặc chồng.
Theo khoản 19 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, cụm từ “người thân thích khác” được hiểu là người có quan hệ nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ[1] và người có họ trong phạm vi ba đời[2] cuả vợ hoặc chồng.
Cha, mẹ, người thân thích khác của vợ hoặc chồng chỉ có tư cách yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp đặc biệt là khi có căn cứ cho rằng một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ, chồng của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe tinh thần của họ.
Do đó, trong trường hợp chính cha, mẹ, người thân thích khác của vợ hoặc chồng là nạn nhân của hành vi bạo lực do người vợ, người chồng gây ra hoặc khi một bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực do chính cha, mẹ, người thân thích khác của bên còn lại gây ra thì cha, mẹ người thân thích khác cũng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
Khoản 3 Điều 51 quy định trường hợp người chồng không thể thực hiện quyền yêu cầu ly hôn, cụ thể là khi người vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Như vậy, kể cả khi trong thời kỳ hôn nhân người vợ mang thai, sinh con và nuôi dưỡng con dưới 12 tháng tuổi mà không phải là con của người chồng thì người chồng không thể yêu cầu giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian này.
Cũng tại Điều 51, nhà làm luật không quy định trường hợp người vợ không được thực hiện quyền yêu cầu ly hôn. Như vậy, trong suốt thời kỳ hôn nhân người vợ đều có quyền yêu cầu ly hôn kể cả trong khoảng thời gian được cho là “nhạy cảm” như quy định tại khoản 3.
3. Quyền yêu cầu ly hôn của cha mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng
Đối với trường hợp đơn phương ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là một hình thức ly hôn tương đối phổ biến khi đời sống quan hệ vợ chồng khó có thể tiếp tục duy trì. Khác với thuận tình ly hôn, ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân. Trường hợp này, Tòa án sẽ phải xem xét kỹ càng để cân nhắc việc ly hôn trong tình trạng hôn nhân giữa hai người, điều này phải dựa vào các căn cứ nhất định được quy định cụ thể trong Luật Hôn nhân gia đình và các luật khác liên quan.
Luật mới đảm bảo quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng thì đã mở rộng đối tượng được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cụ thể là: Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo câu cầu của một bên:
Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Tình trạng "không thể nhận thức hoặc làm chủ được hành vi của mình là tình trạng thực tế của vợ, chồng. Tình trạng này được xác định thông qua kết luận của cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, cần hiểu rõ ràng, tình trạng không thể nhận thức hoặc làm chủ được hành vi này không hề đồng nhất với tình trạng mất năng lực hành vi dân sự của cá nhân, quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015. Một người không thể nhận thức và làm chủ được hành vi chỉ được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự.
Về hành vi bạo lực gia đình, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Quy định hậu quả của hành vi bạo lực gia đình là "làm ảnh hưởng" thay vì "gây tổn hại" cho thấy hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến tình mạng, sức khỏe, tinh thần của vợ, chồng có thể là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp. Để xác định được mức độ ảnh hưởng của bạo lực gia đình đối với sức khỏe, tính mạng và tinh thần thì cần có sự tham gia của các cơ quan y tế có chuyên môn.
4. Những hạn chế, bất cập trong quy định về quyền yêu cầu ly hôn.
Bên cạnh những ưu điểm, những đổi mới về quyền yêu cầu ly hôn tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định về vấn đề này vẫn còn có nhiều thiếu xót và bất cập khi áp dụng trên thực tế, cụ thể như:
Thứ nhất, về vấn đề trao quyền yêu cầu ly hôn cho cha, mẹ, người thân thích của vợ, chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 51, xét thấy hiện nay việc áp dụng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, bởi theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì người khởi kiện phải cung cấp chứng chứ[3].
Theo quy định của khoản 2 Điều 51, để thực hiện quyền yêu cầu ly hôn, cần phải có đủ 3 điều kiện , đó là:
+) Người vợ hoặc người chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình;
+) Người vợ hoặc người chồng bị mất NLHVDS đó là nạn nhân của bạo lực gia đình do vợ hoặc chồng của họ gây ra;
+) Hành vi bạo lực đó phải để lại hậu quả là làm ảnh hưởng, tổn hại đến tính mạng sức khỏe, tinh thần của họ.
Như vậy, tương ứng với ba điều kiện trên thì cha, mẹ, người thân thích của vợ hoặc chồng khi thực hiện quyền yêu cầu ly hôn phải cung cấp đủ 3 loại chứng cứ. Nếu thiếu một trong ba loại chứng cứ sẽ thiếu đi một trong ba điều kiện, do đó tòa án sẽ không thụ lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên để thu thập và cung cấp đủ 3 loại chứng cứ trên không phải là điều dễ dàng.
Chứng cứ hợp pháp ở đây là các kết luận, biên bản của các cơ quan, tổ chức có chuyên môn, thẩm quyền như kết luận trong giám định pháp y tâm thần, kết luận giám định tình trạng tính mạng, sức khỏe, biên bản xử lý hành chính đối với người có hành vi bạo lực hoặc các bằng chứng tự thu tập như clip, hình ảnh bạo lực gia đinh. Để có đầy đủ các chứng cứ, người khởi kiện phải mất thời gian (đi lại, chờ đợi), công sức, tiền bạc để có được. Đây thực sự là khó khăn, trở ngại lớn đối với người khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51. Chính vì vậy, việc thực hiện quyền yêu cầu ly hôn theo quy định của khoản 2 Điều 51 trên thực tế còn gặp rất nhiều trở ngại.[4]
Thứ hai, theo khoản 3 Điều 51 quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong những trường hợp đặc biệt đó là khi người vợ đang mang thai, sinh con và đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Từ quy định trên, có thể thấy nội dung của quy định chưa chặt chẽ và hiện nay cũng chưa có một văn bản nào hướng dẫn cụ thể, chi tiết các căn cứ trên. Để xác định người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng phải dựa trên sự kiện thực tế là người vợ đang chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng con dưới 12 tháng tuổi. Do đó, khi áp dụng quy định sẽ làm phát sinh tranh chấp, vướng mắc trong một số trường hợp cụ thể mà Tòa án cần phải xác định xem người chồng có bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn hay không, chẳng hạn như:
+) Trường hợp thứ nhất, nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Xét về mặt thực tế, người vợ không được xác định là đang mang thai, sinh con, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Song, việc nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là kết quả của sự tự nguyện, đồng thuận ý chí của cả vợ và chồng. Vì gặp phải những nguyên nhân (không thể sinh con theo tự nhiên, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản) đã được pháp luật thừa nhận nên mới dẫn dến sự kiện nhờ người khác mang thai hộ. Thực chất việc nhờ người khác mang thai hộ được hiểu như mượn tử cung của người phụ khác để sinh con, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ cũng trải qua chín tháng mười ngày để chào đón đứa con của họ. Bởi vậy, nếu người chồng không bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp này thì sẽ đúng về mặt thực tế nhưng lại mâu thuẫn về mặt pháp lý trong sự kiện nhờ mang thai hộ. Việc áp dụng pháp luật không thể chồng chéo giữa các quy định, vì vậy cần phải quy định ra sao để giải quyết vướng mắc này.
+) Trường hợp thứ hai, đặt giả thiết nếu người vợ mang thai nhưng bị sảy thai, khi sinh con đứa con bị chết hoặc sau khi sinh con trong vòng 12 tháng mà đứa con bị chết thì người chồng vẫn có thể thực hiện quyền yêu cầu ly hôn hay bị hạn chế? Dân gian có câu “có chửa, cửa mả” để ám chỉ quá trình mang thai và sinh con của phụ nữ tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Trên thực tế, nhiều phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau sinh do thay đổi nội tiết tố trong cơ thể mà dẫn đến sang chấn tâm lý, mắc bệnh trầm cảm thậm chí hóa điên. Nếu như họ gặp phải những biến cố như bị sảy thai hay đứa con bị chết đồng thời nhận được yêu cầu ly hôn từ người chồng cảu mình, quả thật đó là sự mất mát và tổn thương tột cùng, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người phụ nữ. Vậy quy định như thế nào để có thể đảm bảo được mục tiêu là bảo vệ phụ nữ. Hiện đây vẫn đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và gặp rất nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng trên thực tế.
Không thể phủ nhận, quy định hạn chế quyền ly hôn của người chồng như tại khoản 3 Điều 51 đã phần nào bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ và trẻ em. Song, nhìn từ một góc độ khác, quy định này trong một số trường hợp đã bỏ sót quyền lợi của người chồng.
Đây chính là sự bất cập vì trên thực tế, khi biết được người vợ mang thai đứa con không phải của mình hay nói cách khác khi biết người vợ ngoại tình và có con với người đàn ông khác, người chồng sẽ có diễn biến tâm lý bất ổn. Do đó, thường dẫn đến hành vi thiếu kiểm soát, cách cư xử thô bạo như thường xuyên xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đay nghiến đời tư, thậm chí là bạo lực thể xác hoặc có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người vợ và thai nhi. Như vậy, pháp luật chưa dự liệu cho trường hợp như trên dẫn đến sự bất hợp lý, gây ảnh hưởng đến quyền yêu cầu ly hôn của người chồng và cả tính mạng, sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
+) Trường hợp thứ tư, trên thực thế có rất nhiều trường hợp người vợ sau khi sinh con nhưng không nuôi con dưới 12 tháng tuổi, với những lý do không chính đáng như bỏ đi biệt tích cùng bạn bè, tình nhân, … Cho nên quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong trường hợp này có còn bị hạn chế không? Có thể thấy pháp luật chưa hướng dẫn các trường hợp cụ thể như nào là “ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
+) Trường hợp thứ năm, trên thực tế hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi. Vậy nếu như cặp vợ chồng nhận nuôi con nuôi sơ sinh (con nuôi dưới 12 tháng tuổi), sau đó vì những lý do mâu thuẫn, xung đột,… giữa vợ và chồng mà người chồng lại có đơn yêu cầu ly hôn thì trường hợp này tòa án sẽ giải quyết như thế nào?
4. Kiến nghị của Y&P.
Nhìn nhận từ việc áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết vụ việc trên thực tế, người viết mạnh dạn kiến nghị:
Thứ nhất, để chấm thực trạng áp dụng pháp luật ở từng địa phương khác nhau do có cách hiểu không thống nhất về quy định pháp luật, cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình như: “Thế nào là là trường hợp sinh con? Thế nào là nuôi con dưới 12 tháng tuổi?,…”.
Thứ hai, để khắc phục tình trạng tồn tại một số quy định của pháp luật còn cứng nhắc, chưa tạo được cơ chế pháp lý linh hoạt, phù hợp với bản chất của các quan hệ HN&GĐ làm ảnh hưởng đến sự ổn định của các quan hệ HN&GĐ; đến việc thực hiện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân mà còn làm hạn chế hiệu quả của công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực HN&GĐ,… Cần phải xem xét sửa đổi bổ sung những nội dung mới về quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn. Có như vậy mới tạo dựng được co sở pháp lý lâu dài, ổn định, thống nhất cho việc xây dựng và hoàn thiện chế độ HN&GĐ Việt Nam, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam gắn kết, tiến bộ và hạnh phúc.
BTTH
[1] Khoản 17 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
[2] Khoản 18 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
[3] Quyền yêu cầu ly hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, TS Ngô Thị Hường. Tạp chí Luật học số 12 năm 2015, Tr. 45-46
5. Luận văn Thạc sĩ Luật học “Quyền yêu cầu ly hôn theo luật hôn nhân gia đình năm 2014”, của tác giả Lê Thị Huyền Trang (2017), Trường Đại học Luật Hà Nội.