1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Lao động

NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ NÊN RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN VÀO CUỐI NĂM KHÔNG?

617 Lao động

NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ NÊN RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN VÀO CUỐI NĂM KHÔNG?
MỤC LỤC

Người lao động có nên rút BHXH 1 lần vào cuối năm không?

Thực trạng hiện nay cho thấy, vào mỗi dịp cuối năm để có tiền sắm sửa, chi tiêu cho bản thân và gia đình thì người lao động rất hay lựa chọn phương án là rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần. Tuy nhiên việc rút BHXH 1 lần vào dịp cuối năm như vậy có đảm bảo được quyền lợi của người lao động hay không và có phải là một lựa chọn thông minh đối với người lao động hay không. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này thì mời quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Y&P chúng tôi.

1. Nghỉ việc có đương nhiên được lãnh BHXH 1 lần không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13, sau khi người lao động nghỉ việc mà có nhu cầu muốn rút bảo hiểm xã hội 1 lần thì sẽ được cơ quan BHXH giải quyết chế độ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

(1) Người lao động đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đóng BHXH đủ 20 năm.

(2) Lao động nữ là cán bộ, công chức xã hoặc hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ 15 năm BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện sau khi nghỉ việc.

(3) Người lao động ra nước ngoài để định cư.

(4) Người lao động đang mắc một trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác do Bộ Y tế quy định.

(5) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

(6) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

(7) Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc mà chưa đóng đủ 20 năm BHXH.

(8) Người tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng mà chưa tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH.

Như vậy, người lao động sau khi nghỉ việc không đương nhiên được rút BHXH 1 lần mà phải thuộc một trong 08 trường hợp được nêu ở trên thì mới được giải quyết hưởng BHXH 1 lần.

2. Lý do không nên rút BHXH 1 lần vào dịp cuối năm

Hiện nay, việc rút BHXH 1 lần vào mỗi dịp cuối năm là sự lựa chọn của rất nhiều người lao động. Tuy nhiên, việc rút bảo hiểm như vậy sẽ không đảm bảo được quyền lợi của người lao động bởi một số lý do sau đây.

(1) Tiền BHXH 1 lần được lãnh cuối năm sẽ “thiệt” hơn so với người rút vào năm sau.

Hiện nay, tiền BHXH 1 lần được xác định theo thời gian đóng BHXH và mức tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động. Cụ thể cách tính BHXH 1 lần như sau:

- Trường hợp đóng BHXH bắt buộc:

Căn cứ: Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

Mbqtl: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Mức hưởng

=

(1,5 x Mbqtl x Số năm đóng BHXH trước 2014)

+

(2 x Mbqtl x Số năm đóng BHXH từ 2014)

- Trường hợp tham gia BHXH tự nguyện:

Căn cứ: Điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH.

Mức hưởng

=

(1,5 x Mbqtn x Số năm đóng BHXH trước 2014)

+

(2 x Mbqtn x Số năm đóng BHXH từ 2014)

-

Số tiền Nhà nước hỗ trợ

Mbqtn: Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Trong đó, mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động sẽ được tính thêm hệ số trượt giá để hạn chế tác động của sự lạm phát đối với số tiền đóng BHXH ở những thời kì trước.

Mbqtl/Mbqtn

=

(Số tháng đóng BHXH x Tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH x Hệ số trượt giá)

:

Tổng số tháng đóng BHXH

Mỗi năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều ban hành Thông tư mới quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (còn gọi là hệ số trượt giá). Hệ số trượt giá của năm sau thường sẽ cao hơn so với năm trước, tương ứng với đó là số tiền BHXH được nhận của năm sau cũng cao hơn năm trước.

Thông tư về hệ số trượt giá thường được ban hành cuối năm trước và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm sau.

Do đó, để được tính hệ số trượt giá của năm mới, người lao động không nên rút BHXH 1 lần vào dịp cuối năm mà nên chờ sang năm rồi mới rút BHXH để được tính thêm tiền BHXH 1 lần. Tùy vào thời gian mà mức tiền lương/thu nhập đóng BHXH của mỗi người có thể được thêm dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng.

(2) Thời gian giải quyết hồ sơ và chi trả tiền BHXH 1 lần trên thực tế thường lâu hơn so với quy định.

Theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019, người lao động sau khi nộp đủ hồ sơ đề nghị hưởng BHXH 1 lần cho cơ quan BHXH thì sẽ được giải quyết chế độ tối đa trong 05 ngày làm việc.

Tuy nhiên thực tế thì vào dịp cuối năm, người lao động thường không được chi trả tiền BHXH 1 lần đúng hạn do dịp cuối năm cơ quan BHXH cũng bận nhiều công việc liên quan đến báo cáo năm. Cùng với đó, số lượng người lao động đề nghị hưởng BHXH 1 lần ở thời điểm này cũng khá nhiều. Chính vì vậy, việc giải quyết chế độ BHXH 1 lần cho người lao động dịp cuối năm thường bị trễ hẹn so với thời gian mà pháp luật quy định.

3.  Thời điểm rút BHXH 1 lần có lợi nhất với người lao động.

Như đã phân tích ở trên thì việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHXH 1 lần vào dịp cuối năm vừa mất thời gian chờ đợi mà lại thiệt hơn về mức hưởng. Thực tế, nhiều trường hợp nộp hồ sơ hưởng vào tháng 12, đáng lẽ chỉ cần chờ 05 ngày làm việc để lãnh tiền thì mãi đến tháng 01 năm sau người lao động mới được nhận tiền BHXH 1 lần.

Vì vậy, nếu như vẫn phải chờ đến tháng 01 mới nhận được tiền thì người lao động nên chuyển hẳn sang năm mới làm hồ sơ lĩnh BHXH 1 lần.

Hiện nay mặc dù Thông tư quy định về hệ số trượt giá mới được công bố vào cuối năm trước nhưng thời điểm có hiệu lực của nó lại thường rơi vào tháng 02 của năm áp dụng.

Ví dụ điển hình là Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH ban hành vào ngày 31/12/2021 quy định về hệ số trượt giá áp dụng cho năm 2022 nhưng hiệu lực của văn bản này lại từ ngày 20/02/2022.

Mặc dù quy định về hệ số trượt giá áp dụng từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm Dương lịch nhưng nếu văn bản chưa có hiệu lực và chưa có công văn hướng dẫn của BHXH Việt Nam thì các cơ quan BHXH sẽ tạm thời chưa tính hệ số trượt giá mới cho những trường hợp rút BHXH 1 lần trong thời gian từ ngày 01/01 đến ngày Thông tư mới có hiệu lực.

Chính vì vậy để đảm bảo được nhận tiền BHXH 1 lần một cách đầy đủ và nhanh chóng thì người lao động nên rút BHXH 1 lần vào khoảng cuối tháng 2 năm sau.




HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc