Quy định nghỉ hằng năm là một trong những vấn đề được nhiều người lao động quan tâm, vì ngoài thời gian làm việc có người lao động cũng cần dành thời gian cho các nhu cầu cá nhân khác của bản thân. Hiểu được nhu cầu của người lao động, đồng thời đảm bảo cho người lao động vừa được nghỉ nhưng vẫn được hưởng lương, Bộ Luật Lao động 2019 đã có các quy định về ngày nghỉ hằng năm. Vậy, đối với nhân viên thử việc được tính phép năm như thế nào? Nếu sau thời gian thử việc 2 tháng không ký hợp đồng chính thức thì có được tính trả phép năm không? Luật sư Công ty Luật TNHH Youth & Partners sẽ giải đáp câu hỏi trên.
1. Căn cứ pháp lý
- Bộ Luật Lao động 2019;
- Nghị định 145/2020/NĐ-CP
2. Nội dung
Theo khoản 2, Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động thì: Thời gian thử việc được tính để hưởng phép nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.
Do đó, nếu người lao động tiếp tục làm việc sau thời gian thử việc thì thời gian thử việc đó đương nhiên được coi là thời gian để tính ngày nghỉ phép năm.
Vậy, nếu sau thời gian thử việc 2 tháng không ký hợp đồng chính thức thì có được tính trả phép năm không?
Về vấn đề này, Bộ Luật Lao động hiện hành lại chưa có quy định cụ thể về việc người lao động thử việc sau đó không làm việc nữa thì thời gian thử việc có tính ngày nghỉ phép năm hay không. Vì vậy, trong thời gian thử việc, người lao động có được nghỉ phép năm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc nội quy, quy chế của người sử dụng lao động, cụ thể:
- Nếu hợp đồng thử việc hoặc người sử dụng lao động quy định “không giải quyết phép năm trong thời gian thử việc” thì người lao động không được nghỉ phép trong thời gian này.
- Nếu người sử dụng lao động không có quy định nào về vấn đề này thì người lao động có thể thỏa thuận để được nghỉ phép trong thời gian này.
3. Khuyến nghị của Y&P
Hợp đồng thử việc tưởng chừng đơn giản mà lại có khá nhiều nội dung mà nếu không để ý, chúng ta rất dễ bỏ qua, gây ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của mình hoặc gây nên những tranh chấp không đáng có. Do đó, các Bên nên có sự tham gia của Luật sư trong quá trình soạn thảo và ký kết hợp đồng thử việc, để được tránh những rủi ro và bảo vệ quyền lợi tốt nhất.
LS Hoàng Hồng Mơ