1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Lao động

Quy định của pháp luật về tranh chấp lao động cá nhân và cách thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

2597 Lao động

Quy định của pháp luật về tranh chấp lao động cá nhân và cách thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
MỤC LỤC

1. Tranh chấp lao động cá nhân là gì ?

 

Bộ luật lao động 2019 đã quy định cụ thể về tranh chấp lao động cá nhân qua đó tranh chấp lao động cá nhân được hiểu là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động hoặc các quan hệ liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động như tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Tranh chấp lao động cá nhân chiếm đa số trong các tranh chấp lao động, tuy chỉ diễn ra với quy mô nhỏ nhưng đây thật sự vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Trong một số trường hợp, tranh chấp lao động cá nhân không có nghĩa là chỉ có một người lao động xảy ra tranh chấp. Thực tế hiện nay, trong nhiều vụ tranh chấp có nhiều người lao động tham gia. Nếu mỗi người tham gia với mục đích riêng, lợi ích riêng thì xác định là tranh chấp lao động cá nhân. Nhưng nếu cũng những con người ấy nhưng họ hướng tới quyền lợi của tập thể thì lại xác định đó là tranh chấp lao động tập thể đó là yếu tố quan trọng để xác định được đúng loại tranh chấp lao động, điều đó mang ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp lao động đúng trình tự, thủ tục luật định nhằm bảo về được tối đa quyền và lợi ích của các bên trong tranh chấp.

Từ những yếu tố phân tích nêu trên có thể thấy rõ được bản chất của tranh chấp lao động cá nhân trong quan hệ lao động, vậy đặc điểm của loại tranh chấp này là gì hãy cùng chúng tôi tìm hiểu

2. Đặc điểm của tranh chấp lao động cá nhân

Nắm rõ được bản chất vẫn chưa đủ chúng ta cần hiểu thêm về đặc điểm của loại tranh chấp lao động này từ đó có thể nhận biết và phân biệt với các tranh chấp khác. Tranh chấp lao động cá nhân là một trong các loại tranh chấp lao động nên trước hết, tranh chấp lao động cũng mang các đặc điểm chung của tranh chấp lao động. Các đặc điểm của tranh chấp lao động nói chung, bên cạnh đó, tranh chấp lao động cá nhân cũng mang một số nét đặc trưng sau:

 

Số lượng chủ thể tham gia tranh chấp.

Tranh chấp lao động cá nhân thông thường là tranh chấp giữa một cá nhân người lao động với người sử dụng lao động. Nhưng đôi khi, chúng ta hay thấy, trong tranh chấp này lại có sự xuất hiện của nhiều người lao động. Việc tham gia của nhiều người lao động trong tranh chấp lao động cá nhân dễ gây nhầm lẫn với tranh chấp lao động tập thể. Và pháp luật hiện nay cũng không quy định bao nhiêu người lao động tham gia thì quy về tranh chấp lao động cá nhân hay từ bao nhiêu người lao động trở lên thì xếp vào loại tranh chấp lao động tập thể. Tuy nhiên, điểm đặc thù để phân biệt giữa hai loại tranh chấp này là số lượng chủ thể tham gia tranh chấp lao động tập thể sẽ gồm toàn bộ người lao động trong đơn vị, phân xưởng hoặc công ty. Còn số lượng người lao động tham gia tranh chấp lao động cá nhân chỉ là một người hoặc một số người trong tập thể mà thôi.

Dẫu vậy, không thể căn cứ vào số lượng người lao động tham gia để xác định tranh chấp là loại nào. Vì nhiều trường hợp có thể một người lao động tham gia nhưng lại là đại diện cho cả tập thể và có trường hợp nhiều người lao động tham gia nhưng lại chỉ vì mục đích của riêng mình. Để xác định loại tranh chấp, còn cần xem xét các đặc trưng khác như đặc trưng tiếp theo - Mục đích của tranh chấp lao động cá nhân.

 

Mục đích của tranh chấp lao động cá nhân

Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp lao động liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của một cá nhân người lao động, ngươi sử dụng lao động. Thông thường, các tranh chấp này phát sinh do sự vi phạm nghĩa vụ của một hoặc cả hai bên trên cơ sở hợp đồng lao động đã giao kết. Các điều khoản về quyền, nghĩa vụ và chế độ phúc lợi bị xâm phạm, ảnh hưởng tới chủ thể trong hợp đồng nên các bên có thể tự giải quyết hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Mục đích của giải quyết tranh chấp là đòi quyền lợi cho cá nhân người lao động hoặc người sử dụng lao động. Trong trường hợp số lượng người lao động hoặc người sủ dụng lao động tham gia nhiều nhưng mỗi người chỉ hướng tới mục đích cá nhân như có người đòi trả lương đúng hạn, có người đòi bồi thường thiệt hại khi bị sa thải, hoặc yêu cầu bồi thường do tự ý nghỉ việc,... Mục đích tranh chấp khác nhau, nên xác định là tranh chấp lao động cá nhân.

 

Quy mô tranh chấp lao động cá nhân

Trên thực tế, tranh chấp lao động cá nhân tuy nhiều nhưng do chỉ phát sinh giữa một hoặc vài người lao động, người sử dụng lao động nên quy mô những tranh chấp này thường nhỏ lẻ, đơn giản, không có tổ chức. Cá nhân hoặc nhiều cá nhân tham gia tranh chấp không có sự liên kết, thống nhất về ý chí và phần lớn là không cùng mục đích. Cho nên, về cơ bản mức độ ảnh hưởng của tranh chấp lao động cá nhân là không lớn. Tuy nhiên, nếu tranh chấp lao động cá nhân diễn ra thường xuyên hoặc có sự chuyển hoá thành tranh chấp lao động tập thể thì điều này không còn là vấn đề nhỏ nữa. Nên việc cấp thiết là dự đoán, xác định và giải quyết một cách triểt để, có hiểu quả tranh chấp lao động cá nhân, tranh gây ảnh hưởng, kích động tới các đối tượng khác đồng thời tránh việc chuyển hoá sang loại hình tranh chấp khác nghiêm trọng hơn.

 

3. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Để giải quyết tốt một tranh chấp lao động cá nhân, chúng ta cùng tìm hiểu rõ như sau:

Theo bản chất thì tranh chấp lao động cá nhân cũng được xem là một tranh chấp dân sự. Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2019, khi giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thì các bên phải lưu ý và tuân thủ các nguyên tắc sau đây

- Trước tiên các bên trong tranh chấp có quyền tự định đoạt thông qua thương lượng - Tôn trọng quyền tự định đoạt của chủ thể trong tranh chấp;

- Coi trọng việc giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái với quy định pháp luật;

- Đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, nhanh chóng, kịp thời trên tinh thần thượng tôn pháp luật;

- Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động;

- Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giải quyết tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

 

 

4. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Tại Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

- Hoà giải viên lao động;

- Hội đồng trọng tài lao động;

- Toà án nhân dân.

Quy định "Hội đồng trọng tại lao động" là tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là điểm mới thêm vào trong Bộ luật Lao động năm 2019 so với Bộ luật Lao động cũ (năm 2012). Trên cơ sở nguyên tắc Coi trọng việc giải quyết tranh chấp thông qua hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái với quy định pháp luật việc bổ sung chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân này sẽ giúp các bên có cơ hội ngồi lại thương lượng trên cơ sở hoà bình, tránh việc tranh chấp, đối đầu tại cơ quan tài phán.

5. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hoà giải viên lao động

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Theo quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Các tranh chấp không phải thông qua thủ tục hoà giải của Hoà giải viên Lao động

Hầu hết các tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hoà giải của Hoà giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Toà án giải quyết, trừ các tranh chấp sau đây có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Toà án giải quyết luôn mà không phải qua bước Hoà giải viên lao động, gồm có:

- Tranh chấp về việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

- Tranh chấp lao động cá nhân giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

-Tranh chấp về thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Hoà giải viên lao động

- Các bên tranh chấp có thể gửi đơn tới Hoà giải viên lao động hoặc gửi thông qua cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Uỷ ban nhân dân (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội). Trường hợp gửi về cơ quan chuyên môn về lao động thì trong thời hạn 05 ngày làm việccơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động;

- Trường hợp gửi đơn trực tiếp tới Hoà giải viên lao động, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quản lý về lao động thuộc Uỷ ban nhân dân, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

- Các bên tranh chấp có thể tự tham gia hoặc uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

- Khi tiến hành cuộc họp, hoà giải viên có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp;

- Trường hợp các bên thoả thuận được thì hoà giải viên lập biên bản hoà giải thành. Nếu các bên không thoả thuận được, hoà giải viên lao động đưa ra phương án để các bên xem xét. Nếu các bên chấp nhận thì lập biên bản hoà giải thành;

Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

- Biên bản hoà giải thành hoặc không thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

- Trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày lập biên bản, phải gửi bản sao biên bản tới các bên tranh chấp.

 

Trên đây là quy định về tranh chấp lao động cá nhân, trình tự và cách thức giải quyết một tranh chấp lao động cá nhân mà Công ty Luật TNHH Youth & Partners đã cập nhật, cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm và theo dõi.

BĐM


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc