1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Lao động

Thời gian thử việc, tiền lương thử việc theo BLLĐ 2019 và các chế tài xử lý hành vi vi phạm

3392 Lao động

Thời gian thử việc, tiền lương thử việc theo BLLĐ 2019 và các chế tài xử lý hành vi vi phạm
MỤC LỤC

1. Căn cứ pháp lý.

− Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ);

− Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ.

− Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về điều kiện lao động và quan hệ lao động.  

 

2. Khái niệm về thử việc.

BLLĐ năm 2019 không định nghĩa thế nào là thử việc. Tuy nhiên, có thể hiểu Thử việc là việc người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thử công việc được ký kết trong hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thử việc nhằm mục đích đảm bảo cho người sử dụng lao động lựa chọn được ứng viên phù hợp với vị trí công việc tuyển dụng.

Không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

3. Quy định của pháp luật về thử việc.

3.1. Hình thức và nội dung của hợp đồng thử việc:

Điều 24 BLLĐ năm 2019 quy định thử việc có thể là một phần của hợp đồng lao động hoặc được người sử dụng lao động và người lao động giao kết thông qua hợp đồng thử việc. Hợp đồng thử việc phải được giao kết bằng văn bản hoặc được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu.

Nội dung của hợp đồng thử việc theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 BLLĐ năm 2019 bao gồm:

a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

Ngoài những nội dung bắt buộc nêu trên, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về những nội dung khác không trái quy định của pháp luật.

3.2. Về thời gian thử việc:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 125 BLLĐ năm 2019, thời gian thử việc do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nhưng phải đảm bảo các điều kiện:

− Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

− Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

− Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

− Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm quy định về thời gian thử việc tối đa nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP.

3.3. Về tiền lương thử việc:

Căn cứ Điều 26 BLLĐ năm 2019 quy định tiền lương thử việc do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận nhưng tối thiểu phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Mặc dù BLLĐ năm 2019 đã quy định rất rõ về tiền lương thử việc tối thiểu của người lao động, tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra trường hợp người sử dụng lao động trả lương thử việc thấp hơn mức tối thiểu mà BLLĐ năm 2019 đã quy định cho người lao động. Trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm quy định về tiền lương thử việc có thể bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động.

3.4. Thông báo kết quả thử việc và kết thúc thời gian thử việc:

Khoản 1 Điều 27 BLLĐ năm 2019 quy định người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động đồng thời:

− Tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc;

− Phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ, thời gian thông báo kết quả thử việc đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên và công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ là 03 ngày trước khi kết thúc thử việc.

Trường hợp người sử dụng lao động không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử thì có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 theo điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, trong trường hợp sau khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không thông báo và không giao kết hợp đồng với người lao động thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ với mức xử phạt từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng và  phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả Buộc giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Đây là quy định mới đảm bảo quyền lợi của người lao động.


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc