Hộ kinh doanh cá thể là một mô hình kinh doanh khá phổ biến trong những năm gần đây bởi thủ tục thành lập được thực hiện khá đơn giản. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc giải thể hộ kinh doanh cá thể diễn ra khá nhiều do những lý do nhất định.
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp 2014;
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
Thông tư 95/2016/TT-BTC.
2. Điều kiện giải thể
Điều kiện tất yếu để giải thể hộ kinh doanh đầu tiên phải thanh toán các khoản nợ thuế, thanh toán công nợ, lương thưởng, chốt Bảo hiểm xã hội cho nhân viên (nếu có).
3. Những trường hợp thường phải giải thể hộ kinh doanh
+ Hộ kinh doanh hoạt động không hiệu quả.
+ Chủ hộ kinh doanh không muốn hoạt động hộ kinh doanh nữa nên quyết định giải thể.
+ Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên trên 10 lao động không được phép kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà phải chọn hình thức kinh doanh khác.
+ Khi hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả phát triển với quy mô lớn, đối tượng khách hàng có thể là các công ty cần xuất hóa đơn VAT. Trường hợp này thường giải thể hộ kinh doanh và thành lập công ty để hoạt động kinh doanh cho phù hợp.
4. Trình tự thủ tục giải thể hộ kinh doanh
Bước 1: Nộp hồ sơ khóa mã số thuế của hoạt động hộ kinh doanh ở cơ quan thuế quản lý.
Hồ sơ khóa mã số thuế và nộp cho Chi cục thuế quận/huyện quản lý như sau :
+ Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 95/2016/TT-BTC.
+ Giấy chứng nhận đăng ký thuế (bản gốc).
Bước 2: Hoàn thành các nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh để nhận kết quả xác nhận của cơ quan thuế.
Sau khi nộp hồ sơ khóa mã số thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển tình trạng mã số thuế sang trạng thái “NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế” trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với hoạt động kinh doanh.
Đồng thời cơ quan thuế sẽ kiểm tra chủ hộ kinh doanh đã hoàn thành các nghĩa vụ chưa mới có công văn xác nhận để thực hiện tiếp thủ tục trả giấy phép.
Hộ kinh doanh chỉ cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế sau:
+ Đã nộp đủ các khoản thuế phát sinh trong thời gian hoạt động tính đến thời điểm giải thể hộ kinh doanh như thuế môn bài, thuế khoán.
+ Nếu có sử dụng hóa đơn phải làm thông báo hủy hóa đơn, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến thời điểm giải thể
Lưu ý: mã số thuế bị khóa ở đây là mã số thuế cá nhân của chủ hộ kinh doanh. Tuy nhiên mã số thuế này chỉ khóa trong hoạt động hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh vẫn có thể sử dụng mã số thuế để thực hiện các nghĩa vụ thuế cá nhân của mình.
Bước 3: Hoàn trả Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Sau khi đã hoàn tất thủ tục khóa mã số thuế bên cơ quan thuế và nhận được văn bản xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế, hộ kinh sẽ thực hiện thủ tục trả giấy phép hộ kinh doanh ở Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện.
Hồ sơ gồm:
+ Thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh (phụ lục III-25 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp).
+ Giấy phép hộ kinh doanh (bản gốc).
+ Công văn xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Sau khi nhận được hồ sơ trong thời gian 3 ngày làm việc Ủy ban nhân dân quận, huyện sẽ trả văn bản xác nhận hộ kinh doanh đã trả giấy phép kinh doanh.