Tại Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung, doanh nghiệp công nghệ cao chiếm số lượng rất ít trong tổng số doanh nghiệp được thành lập. Thế nhưng doanh nghiệp công nghệ cao đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế hiện tại và tương lai phát triển. Doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, có hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao. Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có. Vậy thì thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp cao tại Vĩnh Phúc bao gồm những bước nào, hồ sơ thủ tục như thế nào sẽ được Công ty Luật TNHH Youth & Partners giải đáp qua bài viết sau.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Công nghệ cao 2008;
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008;
- Luật Đầu tư 2020;
- Luật Đầu tư 2014;
- Quyết định 10/2021/QĐ-TTg quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao;
- Quyết định 55/2010/QĐ-TTg thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và công nhận doanh nghiệp công nghệ cao ;
- Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Quyết định 3390/QĐ-BKHCN năm 2012 công bố thủ tục hành chính mới thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao;
- Thông tư 04/2020/TT-BKHCN sửa đổi Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN quy định về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao.
1. Điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao
1.1. Đối với sản phẩm/dịch vụ và công nghệ
- Sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển (ban hành kèm QĐ 38/2020/QĐ-TTg), cung ứng dịch vụ công nghệ cao tại Việt Nam
Sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển là sản phẩm công nghệ cao được tạo ra từ công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (ban hành kèm QĐ 38/2020/QĐ-TTg) và đáp ứng các điều kiện sau đây:
· Có tỷ trọng giá trị gia tăng cao trong cơ cấu giá trị sản phẩm;
· Có tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế - xã hội lớn;
· Có khả năng xuất khẩu hoặc thay thế sản phẩm nhập khẩu;
· Góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia
- Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.
1.2. Đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển
- Về doanh thu:
Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.
- Về chi phí:
Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp (bao gồm khấu hao đầu tư cơ sở hạ tầng, tài sản cố định, chi thường xuyên hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; chi hoạt động đào tạo, hỗ trợ đào tạo cho lao động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở đào tạo tại Việt Nam; phí bản quyền, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển; phí đăng ký công nhận hoặc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam) trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào (bao gồm giá trị nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất nhập khẩu và mua nội địa) hằng năm:
· Doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;
· Doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
· Doanh nghiệp còn lại phải đạt ít nhất 2%.
- Về lao động:
Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp (là số lao động đã ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó lao động có trình độ cao đẳng không vượt quá 30%) trên tổng số lao động:
· Doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;
· Doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;
· Đối với doanh nghiệp còn lại phải đạt ít nhất 5%.
2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao
2.1. Cơ quan thực hiện:
Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.
Địa chỉ: Phòng 1102 - 1103, 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 02435560681
2.2. Hình thức nộp hồ sơ:
Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc thông qua đường bưu điện đến địa chỉ của Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ
2.3. Danh mục tài liệu:
(i) Đơn đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao (Biểu B1-DNCNC Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2011/TT-BKHCN)
(ii) Bản thuyết minh dự án ứng dụng công nghệ cao …. (Biểu B2-TMDAUD Ban hành kèm Thông tư 04/2020/TT-BKHCN)
(iii) Các tài liệu gửi kèm:
· Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
· Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có);
· Bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ: CCCD/ CMND của người được ủy quyền nộp hồ sơ (nếu có);
· Tài liệu khác
2.4. Số lượng hồ sơ:
02 bộ, trong đó có 01 một bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ phô tô.
2.5. Thời gian cấp phép:
30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ.
2.6. Quy trình thẩm định nội bộ của cơ quan nhà nước:
Ø Thành lập Tổ chuyên gia thẩm định hồ sơ
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Giám đốc Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ có quyết định thành lập Tổ chuyên gia thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Ø Họp thẩm định hồ sơ
- Thư ký Tổ chuyên gia thẩm định cung cấp tài liệu có liên quan cho Tổ chuyên gia thẩm định trước khi họp thẩm định hồ sơ ít nhất 05 ngày làm việc;
- Phiên họp của Tổ chuyên gia thẩm định được tiến hành trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi có quyết định thành lập và phải có mặt ít nhất hai phần ba số thành viên Tổ thẩm định. Tổ chuyên gia thẩm định hoạt động theo nguyên tắc tập thể, bỏ phiếu kín về việc đồng ý hay không đồng ý cấp Giấy chứng nhận và kết quả theo đa số khi có ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt đồng ý.
Ø Quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao
- Trên cơ sở kết luận của Tổ chuyên gia thẩm định, Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định việc cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cá nhân đề nghị.
2.7 Phí nhà nước:
Không có
2.8 Kết quả:
Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao
2.9 Thời hạn của giấy phép:
5 năm (năm năm) kể từ ngày cấp.
Trên đây là thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp cao tại Vĩnh Phúc theo pháp luật hiện hành. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, Quý khách hàng vui lòng liên hệ thông tin bên dưới.
NTQ