1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Hình sự

Đối tượng giúp 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Vĩnh Phúc sẽ bị xử lý như thế nào

4283 Hình sự

Đối tượng giúp 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Vĩnh Phúc sẽ bị xử lý như thế nào
MỤC LỤC

Trong tình hình dịch bệnh covid diễn biến phức tạp, các ca lây nhiễm không ngừng gia tăng, ý thức chủ quan xuất hiện nhiều trong dân chúng khi người dân tự tin và ngủ quên trên chiến thắng với 2 lần vượt qua đại dịch, viễn cảnh về một Việt Nam sụp đổ hoàn toàn trước dịch Covid hiển hiện hơn bao giờ hết khi có quá nhiều các đối tượng vì chút lợi ích cá nhân mà có hành vi “cõng rắn cắn cả nhà” qua việc tổ chức, môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Một trong số các vụ việc gây rúng động mấy ngày gần đây phải kể đến là vụ việc liên quan đến đường dây đưa 52 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Theo đó, ngày 4/5/2021, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1985, trú ở P.Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về tội “tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 bộ luật Hình sự.

Nội dung vụ việc:

Theo lời khai của Nguyễn Thị Hồng Hạnh, trong thời gian đi xuất khẩu lao động (2009-2012), Hạnh quen một người Trung Quốc. Khoảng giữa tháng 4/2021, người này liên hệ với Hạnh qua mạng xã hội đặt vấn đề nhờ thuê nhà cho người từ Trung Quốc sang ở.

Sau đó, Hạnh thuê 5 căn nhà trên địa bàn TP Vĩnh Yên với giá từ 15 - 18 triệu đồng/tháng nhằm mục đích cho người nhập cảnh ở.

Từ 22/4 đến 2/5, đối tác liên lạc với Hạnh để đón những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đến ở trọ. Hạnh hướng dẫn chỉ đường cho những người đến các căn nhà mà Hạnh đã thuê để ở theo giá thỏa thuận. Biết rõ những người trên nhập cảnh trái phép nên Hạnh không thực hiện đăng ký tạm trú.

Căn cứ Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 và Công văn số: 1557/VKSTC-V1 V/v Hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng các điều 347, 348 và 349 BLHS ngày 20/4/2021 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Sau đây, chúng tôi sẽ nêu rõ khung hình phạt về loại tội phạm này và phân tích các tình huống pháp lý có thể xảy ra với Hạnh:

I.  Khung hình phạt

Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép

1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Dễ thấy, hành vi của Hạnh đã rơi vào Khoản 3 Điều này khi đã tổ chức cho 52 đối tượng ở lại Việt Nam trái phép, khung hình phạt của Hạnh sẽ rơi vào từ 07 năm đến 15 năm tù và phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng.

II.  Các tình huống pháp lý có thể xảy ra với Hạnh

1. Việc xử lý trong trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội quy định tại Điều 348 BLHS
Điều 348 BLHS quy định nhiều hành vi phạm tội khác nhau (tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép). Trường hợp thực hiện nhiều hành vi phạm tội độc lập mà mỗi hành vi đều cấu thành một tội độc lập thì xử lý về nhiều tội.

Ví dụ: Hạnh tổ chức cho Người TQ xuất cảnh trái phép, sau đó Hạnh lại tổ chức cho Người TQ nhập cảnh trái phép, thì Hạnh bị xử lý về cả 02 tội.

Trường hợp Hạnh có mục đích cho Người TQ ở lại Việt Nam trái phép nên đã tổ chức cho người đó nhập cảnh trái phép để ở lại Việt Nam (hành vi tổ chức nhập cảnh trái phép là điều kiện để thực hiện hành vi tổ chức ở lại Việt Nam trái phép), thì chỉ xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

2. Việc xử lý đối với trường hợp đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam
Trường hợp Hạnh đưa dẫn Người TQ đi sâu vào nội địa Việt Nam, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp Hạnh là người được thuê và đã biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý Hạnh về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm. Trường hợp Hạnh biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã trực tiếp đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Ví dụ 1: Hạnh biết Sơn sẽ tổ chức cho Người TQ nhập cảnh trái phép qua biên giới Lạng Sơn để vào Vĩnh Phúc, nhưng vì vụ lợi Hạnh vẫn giúp Sơn đưa Người TQ từ Lạng Sơn vào Vĩnh Phúc. Trường hợp này, Hạnh bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm với Sơn.

Ví dụ 2: Hạnh hành nghề lái xe ô tô Grab, biết rõ một số người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đang có nhu cầu đi từ khu vực biên giới vào TP. Vĩnh Yên để tìm việc làm. Vì vụ lợi, Hạnh đồng ý chở các đối tượng này và bị bắt giữ trên đường. Trường hợp này, xem xét xử lý Hạnh về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

3. Việc xác định yếu tố “vụ lợi” quy định tại Điều 348 BLHS
Yếu tố “vụ lợi” quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS là động cơ người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Qua thực tiễn thấy, động cơ của người phạm tội chủ yếu vì lợi ích vật chất; trường hợp người phạm tội vì lợi ích phi vật chất thì cần phải chứng minh rõ lợi ích phi vật chất đó để bảo đảm việc buộc tội có căn cứ.

4. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS
Trường hợp người phạm tội thu tiền để tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép, đã chi phí một số khoản tiền thì tùy trường hợp cụ thể để xem xét, xác định là thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS. Đối với số tiền đã chi thực tế và hợp lý cho việc tổ chức, môi giới như: Chi phí làm visa, mua vé máy bay, thuê dịch vụ vận tải,... thì không tính vào số tiền đã thu lợi bất chính.

Trên đây là đôi dòng phân tích về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" theo điều 348 Bộ luật hình sự hiện hành.

Hy vọng Quý vị sẽ có thêm những hiểu biết pháp lý hữu ích về loại tội phạm này.


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc