1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Hình sự

Hình phạt đối với tội nhận hối lộ

127 Hình sự

Hình phạt đối với tội nhận hối lộ
MỤC LỤC

Nhận hối lộ là một vấn đề nhạy cảm, gây nhiều phẫn nộ trong dư luận và xã hội hiện nay. Hành vi này không chỉ tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn được thực hiện với những phương thức tinh vi, phức tạp. Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức và làm suy giảm đạo đức của cán bộ, công chức. Bài viết dưới đây sẽ trình bày các quy định pháp luật liên quan đến hình phạt đối với tội nhận hối lộ.

1. Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

- Nghị quyết 03/2020/ NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BHLS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ

2. Khái niệm về tội nhận hối lộ

Tội nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian nhận hoặc sẽ bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ và được quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015).

3. Hình phạt đối với tội nhận hối lộ được quy định BLHS năm 2015

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế mạnh mẽ nhất của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật này và do Tòa án áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật. Mục đích của hình phạt không chỉ là xử lý vi phạm mà còn giúp giáo dục người phạm tội, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc xã hội, đồng thời ngăn ngừa hành vi phạm tội trong tương lai. Hình phạt bao gồm hai dạng chính: hình phạt chính và hình phạt bổ sung, được áp dụng tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

* Theo khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015 về tội nhận hối lộ

Theo khoản 1 quy định người phạm tội có thể bị áp dụng mức hình phạt từ 02 năm đến 07 năm nếu thực hiện hành vi: lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc trung gian, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích vật chất như tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương 23, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; lợi ích phi vật chất để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trong trường hợp này quy định “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được hiểu là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật. Như vậy, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như một phương tiện để thực hiện hành vi nhận hối lộ.

Tại điểm a khoản 1 Điều 354 quy định:

Một là, quy định về “Lợi ích vật chất khác”, Lợi ích vật chất khác là lợi ích vật chất không phải là tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai (quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự năm 2015).;

Hai là, quy định về “Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” là trường hợp trước đó người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tương ứng nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.; Ba là, quy định về “Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là trước đó người phạm tội đã bị kết án trong 01 lần về một hoặc nhiều tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII của BLHS, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê tại khoản 1 của một trong các điều 353, 354 và 355 của BLHS.

Điểm b khoản 2 Điều 354 quy định “Lợi ích phi vật chất”, Lợi ích phi vật chất là những lợi ích không phải lợi ích vật chất, ví dụ như tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục, ...

Bên cạnh đó, theo điều luật, chủ thể thực hiện hành vi phải là người có chức vụ, quyền hạn, có năng lực TNHS, đạt độ tuổi luật định, nhận thức được hành vi của mình gât nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi.

Ngoài ra, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ theo khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015, cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS năm 2015 (từ Điều 50 đến Điều 59).

* Theo khoản 2 Điều 354 BLHS năm 2015 về tội nhận hối lộ.

Tội phạm thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này có thể bị phạt tù từ 07 đến 15 năm:

Điểm a khoản 2 quy định “có tổ chức” là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm này, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên, không phải vụ án nhận hối lộ có tổ chức nào cũng có đủ những người đồng phạm trên. Các yếu tố để xác định phạm tội có tổ chức được quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015 .

Điểm b khoản 2 quy định “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện như: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường ra lệnh bắt người tạm giữ hoặc tạm giam; Trưởng Công an phường, xã bắt người tạm giữ, tạm giam để đòi hối lộ; cán bộ quản lý thị trường ra lệnh khám nhà, khám người...

Điểm c khoản 2 quy định “Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”. Đây là trường hợp người phạm tội đã nhận hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Cũng tương tự như các trường hợp phạm tội khác, nếu của hối lộ không phải là tiền mà là tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì giá trị tài sản hoặc lợi ích vật chất khác được xác định căn cứ vào giá thị trường vào thời điểm phạm tội, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Điểm d khoản 2 quy định “Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng”. Tức là, hành vi nhận hối lộ gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng là trường hợp ngoài hành vi nhận hối lộ (thỏa mãn 01 trong 04 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015), người phạm tội nhận hối lộ còn gây thiệt hại (khác) về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

Điểm đ khoản 2 quy định “Phạm tội 02 lần trở lên” là trường hợp có từ 02 lần nhận hối lộ trở lên, mỗi lần nhận hối lộ đều đã cấu thành tội phạm và nay bị đưa ra xét xử cùng một lúc, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước đến lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội 02 lần trở lên nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu trong các lần phạm tội đó, chỉ có 01 lần phạm tội nhận hối lộ, còn các lần khác chỉ là vi phạm kỷ luật hoặc đã bị xét xử hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhận hối lộ 02 lần trở lên.

Điểm e khoản 2 quy định “Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước” là trường hợp người nhận hối lộ biết rõ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là tài sản Nhà nước mà vẫn nhận.

Điểm g khoản 2 quy định “Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt”, tình tiết này chứa đựng ba nội dung khác nhau: Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. Người phạm tội chỉ thuộc 01 trong 03 trường hợp phạm tội này đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhưng nếu người phạm tội nhận hối lộ thuộc cả 03 trường hợp phạm tội này thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 2 của Điều luật. 

* Theo khoản 3 Điều 354 BLHS năm 2015 về tội nhận hối lộ

Việc quy định hình phạt tăng nặng tại khoản 3 Điều này (từ 15 năm đến 20 năm tù) cũng đã phản ánh rõ chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc xử lý nghiêm khắc đối với hành vi nhận hối lộ, tạo nền tảng pháp lý vững chắc trong việc phòng ngừa, trừng trị kịp thời đối với loại tội phạm này góp phần đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong Nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.

Trong trường hợp tại điểm a khoản 3 Điều này quy định Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng”. Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 354 BLHS năm 2015, chỉ khác là của hối lộ mà người phạm tội này đã nhận là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Còn tại điểm b khoản 3 quy định “Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng”. Tức là, hành vi nhận hối lộ gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng là trường hợp ngoài hành vi nhận hối lộ (thỏa mãn 01 trong 04 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015), người phạm tội nhận hối lộ còn gây thiệt hại (khác) về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

* Theo khoản 4 Điều 354 BLHS năm 2015 về tội nhận hối lộ

Tội phạm thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 4 Điều này có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Điểm a khoản 4 quy định “Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên: Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 354 BLHS năm 2015, chỉ khác là của hối lộ mà người phạm tội này đã nhận là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.

Điểm b khoản 4 quy định “Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”, hành vi nhận hối lộ gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên là trường hợp ngoài hành vi nhận hối lộ (thỏa mãn 01 trong 04 trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 354 BLHS năm 2015), người phạm tội nhận hối lộ còn gây thiệt hại (khác) về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

* Theo khoản 5 Điều 354 BLHS năm 2015 về tội nhận hối lộ

Ngoài những hình phạt chính, người phạm tội nhận hối lộ còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Việc áp dụng hình phạt bổ sung có tác dụng hỗ trợ hình phạt chính, tăng khả năng trừng trị người phạm tội, giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới.


#MaiAnh


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc