1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Hình sự

Nguyên tắc "Suy đoán vô tội" theo Bộ luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam

3491 Hình sự

Nguyên tắc
MỤC LỤC

Suy đoán vô tội là một nguyên tắc văn minh, tiến bộ trên thế giới và được áp dụng ở nhiều quốc gia. Đặc biệt, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Một trong những yêu cầu của nhà nước pháp quyền là phải xây dựng cho được hệ thống pháp luật thống nhất, chặt chẽ và đồng bộ bảo vệ quyền con người. Từ đó, ta thấy suy đoán vô tội từ phương diện là một nguyên tắc cơ bản có ý nghĩa làm nền tảng, chỉ đạo và xuyên suốt quá trình tố tụng hình sự (TTHS) từ lập pháp đến thực tiễn thực hiện trong đó chủ yếu tập trung vào đánh giá việc thực hiện nguyên tắc này trong TTHS Việt Nam. Vì vậy, để giúp Quý khách hàng hiểu rõ hơn về nguyên tắc này, trong bài viết dưới đây, Công ty Luật TNHH Youth and Partners sẽ phân tích các quy định của pháp luật vấn đề này.

1. Khái niệm nguyên tắc “Suy đoán vô tôi”

Có thể định nghĩa “nguyên tắc suy đoán vô tội” như sau: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong luật TTHS là những tư tưởng chủ đạo, cơ bản mang tính xuất phát điểm, bảo đảm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không bị coi là có tội khi lỗi của họ chưa được cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Nội dung của nguyên tắc “Suy đoán vô tội”

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 BLTTHS năm 2015, nguyên tắc suy đoán vô tội có thể được xác định với hai nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi tội của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định và có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Có nghĩa là một người, tuy đang bị buộc tội, đã tham gia tố tụng, chịu sự hạn chế nhất định về quyền tự do cá nhân theo quy định của pháp luật vẫn có quyền được coi là vô tội cho đến khi nhận được bản án có hiệu lực của Tòa án. Người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.

Thứ hai, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Người tiến hành tố tụng phải xác định và xem xét các tình tiết của vụ án một cách khách quan, toàn diện, làm rõ các căn cứ xác định có tội và những căn cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trác nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Mọi nghi ngờ trong quá trình tố tụng đề phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội

3. Phạm vi áp dụng của nguyên tắc suy đoán vô tội

Phạm vi áp dụng về không gian.

Đây là vấn đề thuộc về lĩnh vực tư pháp Hình sự nên nguyên tắc suy đoán vô tội cũng chỉ có thể áp dụng đối với lĩnh vực tư pháp duy nhất là TTHS.

Phạm vi áp dụng về thời gian.

Nguyên tắc này được áp dụng đối với tất cả các giai đoạn của quá trình TTHS và trong một số trường hợp nhất định nguyên tắc này còn được áp dụng đối với cả giai đoạn tiền tố tụng trong trường hợp bắt giữ người bị tình nghi và còn được áp dụng cả khi bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp bản án kết tội bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Phạm vi chủ thể áp dụng.

Không chỉ các cơ quan, người tiến hành tố tụng, một số cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động tố tụng mà cả những chủ thể khác như: cơ quan, tổ chức, báo chí, truyền thông... Tất cả các chủ thể này đều phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm và đối xử với người bị buộc tội như với người không có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án.

-  Đối tượng áp dụng.

Sự buộc tội có thể xuất hiện cả ở giai đoạn tiền tố tụng (trường hợp bắt, tạm giữ người bị tình nghi) và tồn tại trong các giai đoạn: khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, nguyên tắc này chỉ áp dụng đối với "người bị buộc tội" bao gồm: người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử. Ngoài ra, trong trường hợp bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm (tái thẩm) thì người bị kết án lại được áp dụng nguyên tắc này vì trong trường hợp này việc chứng minh tội phạm sẽ được xem xét lại tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm.

4. Ý nghĩa của nguyên tắc “Suy đoán vô tội”

Nguyên tắc suy đoán vô tội không chỉ đáp ứng được yêu cầu chứng minh.

Chứng minh trong TTHS là hoạt động cực kỳ phức tạp, không chỉ có hành vi khách quan, hậu quả thực thế mà nó còn bao gồm cả tâm lý của người bị buộc tội. Nếu chứng minh sai thì sẽ để lại hậu quả rất lớn, đôi khi là cả sinh mệnh của con người. Nếu chứng minh theo “suy đoán có tội” thì sẽ dẫn đến tố tụng hình sự chỉ đơn giản là việc bắt người và ra bản án kết tội kèm theo những hình phạt cụ. Việc đồng nhất người bị buộc tội với người có tội này là hết sức nguy hiểm. Nó không chỉ làm cho pháp luật mất đi tính khách quan, nghiêm minh của pháp luật mà còn xâm hại đến các quyền cơ bản của con người mà nhiều trường hợp khi xem xét lại thì họ hoàn toàn vô tội. Đến lúc này thì mọi sự bù đắp tổn hại đều không có giá trị. Do đó, quy định nguyên tắc “Suy đoán vô tội” là đúng đắn, cần thiết, để cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng làm đúng pháp luật, khách quan, vô tư

Nguyên tắc suy đoán vô tội đảm bảo được quyền của người bị buộc tội.

Hoạt động TTHS bao gồm hai nhiệm vụ: Bảo vệ xã hội chống lại hành vi xâm hại từ phía tội phạm và bảo vệ cá nhân người bị buộc tội chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền. Như vậy, nguyên tắc “ suy đoán vô tội” tạo nên sự cân bằng giữa Nhà nước với quyền lực đặc biệt và bên yếu thế hơn là người bị buộc tội: Một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng chống lại điều này và chứng minh được họ có tội. Nguyên tắc này không chỉ thể hiện giá trị của văn minh nhân loại trong việc bảo vệ quyền con người mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm: Họ không thể làm sai mà vẫn áp đặt ý chí chủ quan của mình để kết tội nghi can. Hơn nữa, nguyên tắc này đảm bảo tính pháp chế trong BLTTHS, là nhân tố phát triển tính đúng đắn của lĩnh vực TTHS.

Nguyên tắc suy đoán vô tội có quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa.

Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Quyền được bào chữa được quy định nhằm bảo đảm cho người bị buộc tội trình bày quan điểm của mình đối với việc bị buộc tội, đưa ra các chứng cứ cần thiết, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét tình tiết minh oan hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Nói các khác, quyền bào chữa là tất cả các quyền mà pháp luật cho phép để người bị buộc tội chống lại sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đảm bảo quyền bào chữa là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền con người. Nếu như ngay từ đầu đã khẳng định rằng họ có tội thì việc bào chữa sẽ chỉ là mang tính chất hình thức.

Trên đây là bài viết của Công ty Luật TNHH Youth and Partners;

Hi vọng Quý Khách hàng sẽ có thêm hiểu biết về vấn đề này.

TTTT


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc