1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Hình sự

Quy định của pháp luật về tội " Mua bán người dưới 16 tuổi"

4179 Hình sự

Quy định của pháp luật về tội
MỤC LỤC

Tình trạng bắt cóc, buôn người diễn ra ngày càng diễn biến phức tạp, đối tượng chúng thường hướng tới là trẻ em. Do trẻ em là những đối tượng dễ bị dụ dỗ, không có khả năng phản kháng….Hình thức buôn bán trẻ em có thể thực hiện dưới dạng bán qua biên giới hoặc biến các em thành những công cụ lao động hoặc biến các em thành nô lệ tình dục. Dưới tình trạng buôn bán trẻ em ngày càng phức tạp Công ty Luật TNHH Youth& Partners đưa ra những quy định pháp luật liên quan đến tội mua bán trẻ dưới 16 tuổi.

Căn cứ pháp lý:

- Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

- Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng Điều 150 về Tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật hình sự.

1. Mua bán trẻ em là gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP thì mua bán trẻ em là hành vi dùng tiền hoặc phương tiện thanh toán khác để trao đổi trẻ em như hàng hóa. Mua bán trẻ em là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền con người của trẻ em và có thể xâm phạm đến hạnh phúc gia đình.

2. Các yếu tố cấu thành tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi

Mặt khách quan:

Hành vi của tội phạm là hành vi buôn bán người. Hành vi mua bán có thể được sử dụng dưới hình thức dung tiền hoặc một số phương thức thanh toán khác như vàng, ngoại tệ…để thực hiện mục đích mua bán người như một loại hàng hóa. Người thực hiện hành vi này có thể là người thực hiện vào một hoặc toàn bộ quá trình mua bán, vận chuyển, chuyển giao và nhận người hay đe dọa sử dụng vũ lực, ép buộc, bắt cóc, lừa gạt hoặc lợi dụng tình trạng dễ tổn thương hay bằng việc đưa nhận tiền hay đổi lợi nhuận để đạt được mục đích của người đang kiểm soát trái phép những người khác. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để sử dụng vào mục đích bóc lọt tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì các mục đích vô nhân đạo khác;chứa chấp người khác để thực hiện một trong các hành vi nêu trên.

Hậu quả của hành vi mua bán trẻ em là trẻ em bị đem ra mua bán, trao đổi như một mặt hàng hóa, danh dự nhân phẩm bị trà đạp, bóc lột sức lao động, sử dụng làm công cụ tình dục. Nhưng vì một điều kiện nào đó mà ngoài mông muốn của họ không thể thực hiện được việc mua bán như vậy trường hợp này thuộc phạm tội chưa đạt.

Đối tượng bị xâm hại: Người dưới 16 tuổi không phân biệt giới tính.

Khách thể:

Xâm phạm đến quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người được pháp luật bảo hộ.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức được đầy đủ hành vi của mình là trái với quy định pháp luật, gây nguy hiển đến trật tự, an ninh, xã hội. Họ nhận thấy trước hậu quả của hành vi do mình thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra.

Chủ thể: Người từ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự đều là chủ thể của tội này. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 150 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Những người chưa thành niên phạm tội này thường có vai trò là đồng phạm.

3. Quy định pháp luật về tội mua bán người dưới 16 tuổi

Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Lợi dụng hoạt động cho nhận con nuôi để phạm tội;

c) Đối với từ 02 người đến 05 người;

d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Vì động cơ đê hèn;

h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

e) Đối với 06 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên đây là giải đáp của Công ty Luật TNHH Youth& Partners về tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định pháp luật hiện hành. Để có thêm tư vấn chi tiết, chính xác, Quý khách hàng hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ phía dưới.

LHY


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc