Ngày 27/11/2015 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 nhằm xây dựng BLHS năm 2015 cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau Hiến pháp năm 2013; phát huy vai trò của BLHS là công cụ pháp lý hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. BLHS năm 2015 có những nội dung mới cơ bản sau đây:
1. Bố cục và phạm vi sửa đổi của BLHS
BLHS năm 2015 có 26 chương và được thiết kế thành 03 phần trên cơ sở kế thừa hai phần của BLHS năm 1999 và bổ sung thêm Phần thứ ba quy định về điều khoản thi hành. BLHS năm 2015 được xác định là sửa đổi cơ bản và toàn diện BLHS năm 1999, có tổng số 426 điều, tăng 82 điều so với BLHS năm 1999, giữ nguyên 17 điều, bổ sung mới 49 điều, sửa đổi 362 điều và bãi bỏ 08 điều của BLHS năm 1999.
2. Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường
BLHS năm 1999 chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân mà không quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân. Nay BLHS năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, vì mấy lý do sau:
- Tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, nhất là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống an lành của người dân và gây mất trật tự, an toàn xã hội.
- Việc xử lý vi phạm pháp luật của pháp nhân chủ yếu căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng thực tiễn xử lý vi phạm hành chính cho thấy nhiều quy định của luật này đối với pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Mức phạt tiền còn thấp, chưa đủ sức răn đe, cụ thể mức tối đa áp dụng đối với pháp nhân không vượt quá 2 tỷ đồng. Với mức phạt này, nhiều pháp nhân, nhất là các pháp nhân là các tập đoàn lớn hoặc các công ty đa quốc gia có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Ngoài pháp luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về dân sự cũng quy định trong trường hợp pháp nhân kinh tế thương mại gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì họ có quyền khởi kiện pháp nhân đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật dân sự cũng quy định nghĩa vụ chứng minh thiệt hại (nguyên nhân, mức độ thiệt hại) thuộc về bản thân người bị hại, nhất là đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các pháp nhân thì người bị hại rất khó có thể chứng minh được. Mặt khác, pháp luật dân sự quy định buộc người bị hại phải nộp một khoản tiền án phí dân sự khi khởi kiện, khoản tiền này trong một số trường hợp là rất lớn đối với người bị hại.
- Việc quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân là xu thế chung trên thế giới. Hiện nay trên thế giới có 119 nước quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Trong xu thế đó, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS thì sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong việc xử lý pháp nhân vi phạm. Cụ thể: các pháp nhân Việt Nam ra nước ngoài làm ăn mà vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt rất nặng, trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, làm ăn tại Việt Nam dù vi phạm đến mức nào, theo quy định hiện nay cũng chỉ bị xử phạt hành chính với mức cao nhất là 2 tỷ đồng.
Vì vậy, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân thương mại tại các điều: Điều 2, Điều 6, Điều 8, Điều 33 và các điều từ Điều 74 đến Điều 89; đồng thời xác định pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 31 tội phạm thuần túy là các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường được quy định tại Điều 76 của BLHS năm 2015.
3. Bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình
Để thể chế hóa các quan điểm của Đảng về hạn chế áp dụng hình phạt tử hình được thể hiện trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, cũng như quán triệt tinh thần Hiến pháp năm 2013 trong việc ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người, trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình theo hướng hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trên ba phương diện sau: một là, hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội danh còn giữ lại hình phạt tử hình theo hướng quy định rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể các điều kiện áp dụng để tòa án cân nhắc, áp dụng trong từng trường hợp cụ thể; hai là, mở rộng diện đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình; ba là, mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm hạn chế việc thi hành án tử hình trên thực tế, cụ thể:
- BLHS đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội gồm: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399).
- Bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4. Hoàn thiện chính sách xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi
Bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Sửa đổi nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 69 BLHS năm 1999 “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này”. Theo đó tại khoản 4, Điều 91 BLHS năm 2015 quy định: “Khi xét xử, tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”.
Nhằm tăng cường tính minh bạch của BLHS, qua đó nâng cao hiệu quả việc phòng ngừa tội phạm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, bộ luật sửa đổi theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm hình sự người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, cụ thể:
- Tại khoản 2, Điều 12 BLHS năm 2015 quy định người từ đủ 14 trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng (bao gồm 22 tội).
- Về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, BLHS năm 2015 quy định: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm”.
Tại khoản 2, khoản 3, Điều 91 BLHS năm 2015 quy định:
“2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại mục 2 Chương này:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 123 (tội giết người); Điều 134, các khoản 4, 5 và khoản 6 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) của Bộ luật này;
c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án”.
BLHS đã bổ sung 03 biện pháp có tính chất giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội khi họ thực hiện tội phạm mà cơ quan có thẩm quyền xét thấy không cần thiết phải áp dụng trách nhiệm hình sự đối với họ gồm: khiển trách (Điều 93), hòa giải tại cộng đồng (Điều 94), giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95).
5. Những nội dung sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới
Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) theo hướng:
- Không hình sự hóa đối với các tội: báo cáo sai trong quản lý kinh tế; quảng cáo gian dối;
- Bổ sung một số tội mới trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, cạnh tranh (Điều 212. Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; Điều 216. Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động);
- Tăng hình phạt tiền với tính chất là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Sửa đổi, bổ sung nhóm các tội phạm về môi trường (Chương XIX) theo hướng:
- Cụ thể hóa các hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường, tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại (Điều 227. Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Điều 228. Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai);
- Tăng mức phạt tiền (cả phạt chính và phạt bổ sung) đối với các tội phạm về môi trường.
BLHS đã cụ thể hóa các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”; “thu lợi bất chính lớn”, “thu lợi bất chính rất lớn”, “thu lợi bất chính đặc biệt lớn”; “đất có diện tích lớn”, “đất có diện tích rất lớn”, “đất có diện tích đặc biệt lớn”; “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; “quy mô lớn” là các tình tiết định tội, định khung tăng nặng hình phạt của các điều luật có quy định các tình tiết này, nhằm đảm bảo tính minh bạch của BLHS.
6. Nội luật hóa các qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
Sửa đổi, bổ sung quy định về chuẩn bị phạm tội theo hướng bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể (Điều 14) nhằm tạo điều kiện chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, phù hợp với tinh thần của Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia mà nước ta là thành viên.
Sửa đổi, bổ sung tội mua bán người, tội mua bán trẻ em trên tinh thần Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em dưới 16 tuổi mà nước ta là thành viên (các Điều 150, 151).
Sửa đổi, bổ sung tội rửa tiền nhằm đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu của các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, về phòng, chống rửa tiền (Điều 324).
Bổ sung vào cấu thành của một số tội phạm về chức vụ hành vi tham nhũng trong khu vực tư nhằm xử lý hành vi tham nhũng trong khu vực này; bổ sung hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hoặc công chức đang làm việc trong các tố chức quốc tế công nhằm đáp ứng yêu cầu thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.