Theo hồ sơ, tháng 7-2012, khi đang ngồi chơi với bạn, Hiếu gặp H. đi ngang qua liền kêu lại gây sự. Chiều cùng ngày, Hiếu đi chơi thì gặp lại H. nên lấy gạch ném nạn nhân. Tiếp đó, Hiếu lấy cây bút bi đâm vào mắt trái H. gây thương tật 42%.
Quá trình xét xử, luật sư bào chữa cho Hiếu lập luận cây bút bi không phải hung khí nguy hiểm, thương tật của nạn nhân chỉ 42% nên không thể áp dụng khoản 3 Điều 104 (tội cố ý gây thương tích với tình tiết tăng nặng định khung là “dùng hung khí nguy hiểm”, khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù) đối với bị cáo.
Tranh luận lại, công tố viên bảo dù bút bi không có tên trong danh sách liệt kê ở Nghị quyết số 02 (ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) nhưng nghị quyết cũng sử dụng dấu (…). Ngoài ra, trong Nghị quyết 02 cũng nêu một trong những dấu hiệu để nhận biết là hung khí nguy hiểm là: “Nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe ủa người bị tấn công”. Như vậy, ngoài tên các vật mà được nghị quyết liệt kê thì cơ quan tố tụng có thể dựa vào dấu hiệu này để xác định công cụ, phương tiện gây án có phải là hung khí nguy hiểm hay không.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm với bị cáo Hiếu nhưng lại không nhắc đến việc bút bi liệu có phải là hung khí nguy hiểm hay không. Tòa nhận định bị cáo gây thương tích, tổn hại cho nạn nhân với tỉ lệ thương tật 42%, hành vi phạm tội mang tính chất côn đồ nên cấp sơ thẩm đã xử mức hình phạt tương xứng.
Xung quanh việc xác định cây bút bi (hay xô nhựa, nước sôi...) có phải là hung khí nguy hiểm hay không, trước nay đã được bàn luận nhiều và có những quan điểm trái chiều. Một quan điểm cho rằng các vật dụng trong xã hội rất đa dạng, vì vậy muốn liệt kê đầy đủ và chi tiết các hung khí nguy hiểm ra để xác định là rất khó. Trong quá trình xét xử, các cơ quan tố tụng có thể dựa vào các dấu hiệu của hung khí nguy hiểm hoặc tính sát thương, vị trí phạm tội để xác định. Chứ cứ khăng khăng vào các hung khí được liệt kê tại nghị quyết thì quá nguyên tắc và rập khuôn.
Quan điểm khác thì bảo Nghị quyết 02 chưa rõ ràng và khó áp dụng. Nghị quyết chỉ nêu về các dạng hung khí nguy hiểm và lấy ví dụ chứ không hề nêu một cách khái quát nhất về tính chất, đặc thù để nhận biết phương tiện nguy hiểm là gì. Sau các ví dụ của nghị quyết còn có dấu ba chấm (…) nhằm cân nhắc, so sánh tính chất tương thích để áp dụng hung khí nguy hiểm. Tuy nhiên, pháp luật là phải rõ chứ không thể “tùy cơ ứng biến”...
Việc tranh cãi đã xảy ra nhiều và tồn tại lâu nhưng vẫn chưa có lời kết. Thiết nghĩ, đã đến lúc cơ quan có chức năng cần phải có động thái rõ ràng, có một hướng dẫn cụ thể để việc hiểu và vận dụng pháp luật một cách thống nhất.
Thế nào là Hung khí nguy hiểm được nhắc đến tại Điều 104 - BLHS?
Tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn:
“Dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17.4.2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.
Tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP nêu trên đã hướng dẫn: “2.1. Vũ khí là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12.8.1996 của Chính phủ). 2.2. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.
a. Về công cụ, dụng cụ: Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…
b. Về vật mà người mà người phạm tội chế tạo ra: Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…
c. Về vật có sẵn trong tự nhiên: Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…”.
Cần phải hiểu hung khí nguy hiểm trong tội cố ý gây thương tích là những loại công cụ, phương tiện mà khi người phạm tội sử dụng ngoài việc gây ra thương tích còn có nguy cơ gây thiệt hại cho tính mạng của nạn nhân (hậu quả khác với hậu quả của tội cố ý gây thương tích).