Cháu nuôi có được hưởng thừa kế từ ông bà nuôi không?
Nội dung câu hỏi:
Gia đình anh trai tôi có nhận một cháu gái về nuôi năm cháu được 13 tháng tuổi và có làm thủ tục nhận con nuôi, Nay cháu đã được 14 tuổi. Hiện anh trai tôi đã chết và gia đình tôi muốn phân chia di sản thừa kế của bố mẹ đẻ tôi (tức ông bà nội nuôi).
Vậy cháu gái đó có được hưởng thừa kế của bố mẹ tôi không (ông bà nội nuôi của cháu), nếu được hưởng thì hưởng trong trường hợp nào?
Nội dung trả lời:
Trước hết cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi cho công ty Luật TNHH YOUTH & PARTNERS, trong tình huống của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp thì cháu nuôi đó đã được anh trai bạn đăng ký nuôi con nuôi và sẽ được hưởng quyền thừa kế như con đẻ, trường hợp này cháu sẽ được hưởng thừa kế thế vị phần tài sản mà nếu bố nuôi còn sống sẽ được hưởng một phần di sản của ông bà.
Pháp luật hiện nay chưa có quy định về cháu nuôi, nhưng pháp luật quy định về cha mẹ nuôi và con nuôi.
Theo quy định về các hàng thừa kế nêu tại Điều 651 Bộ luật Dân sự, cháu nuôi không thuộc hàng thừa kế sau đây:
Hàng thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ và con nuôi.
Hàng thứ hai: Ông bà nội, ngoại; anh chị em ruột; cháu ruột mà gọi người chết là ông bà nội, ông bà ngoại.
Hàng thứ ba: Cụ nội, ngoại; bác chú cậu cô dì ruột; cháu ruột mà gọi người chết là bác chú cậu cô dì ruột; chắt ruột gọi người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Căn cứ các hàng thừa kế này, cháu nuôi không thuộc một trong các hàng thừa kế của ông, bà là cha mẹ của người này. Tuy nhiên, cháu nuôi vẫn có thể được hưởng thừa kế từ ông bà nuôi trong trường hợp sau đây:
- Hưởng theo di chúc: Nếu ông bà nuôi chỉ định người cháu nuôi được hưởng thừa kế trong di chúc hợp pháp của mình thì người cháu sẽ được hưởng phần di sản đó.
- Hưởng theo thế vị: Theo Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi được hưởng thừa kế thế vị. Theo đó, căn cứ Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015, thừa kế thế vị được quy định như sau:
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Căn cứ quy định này, nếu người con chết trước hoặc cùng thời điểm với cha mẹ thì cháu nuôi sẽ được hưởng phần di sản thừa kế của ông bà nuôi mà lẽ ra người con khi còn sống được hưởng.
Như vậy, cháu nuôi được hưởng thừa kế thế vị và hưởng thừa kế theo di chúc (nếu có) từ phần di sản của ông bà nuôi.
Trên đây là giải đáp của Luật sư đối với trường hợp của bạn, nếu bạn thắc mắc hay câu hỏi nào khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn.
LS. Văn Hoa