Nội dung câu hỏi:
Bố tôi có mua 01 thửa đất của gia đình ông T, trước khi mua thửa đất này đã hình thành lối đi chung. Trong quá trình sử dụng gia đình tôi mở lối đi phía trên lên phần lối đi chung đó đã bị gia đình nhà ông T chiếm hữu sử dụng làm lối đi riêng, nay gia đình tôi muốn tách thành 02 thửa đất có được không? khi mà lối đi cho thửa thứ 2 đã bị gia đình ông T chiếm hữu sử dụng làm lối đi riêng. Vậy tôi có quyền gì trong lối đi chung?
Nội dung trả lời:
Trước hết cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi cho cty Luật TNHH YOUTH & PARTNERS, trong tình huống của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Lối hay ngõ đi chung là phần diện tích đất chung được nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng để đi ra đường công cộng. Theo quy định của pháp luật tại Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với quyền về lối đi như sau:
“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi bất động sản của chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo quy định trên ta có thể hiểu được bất động sản bị vây bọc bởi một bất động sản của chủ sở hữu khác thì ta có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho một lối đi hợp lý trên phần đất của họ và phải đền bù cho họ chi phi hợp lý cho phần lối đi đó.
Nhưng đối với trường hợp của bạn nếu phần lối đi này không được ghi nhận trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất của gia đình ông T, hoặc ông T không có giấy tờ gì chứng minh quyền sử dụng đất với lối đi này thì gia đình bạn có quyền yêu cầu gia đình ông T tháo dỡ công trình trả lại lối đi chung, nếu gia đình ông T không tự tháo dỡ bạn có quyền làm đơn ra UBND xã nơi có đất yêu cầu Hòa giải, hòa giải không thành bạn có quyền làm đơn khởi kiện ra TAND nơi có thẩm quyền.
Quy trình khởi kiện gồm các bước sau:
1, Hòa giải tại UBND xã, phường nơi có đất tranh chấp (Thủ tục bắt buộc);
2, Khởi kiện tại TAND nơi có thẩm quyền;
3, Tòa án thụ lý đơn KK (lấy lời khai của các đương sự, tiến hành hòa giải, xác minh, ..);
4, Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm;
5, Thủ tục kháng cáo (thời hạn kháng cáo 15 ngày);
6, Thủ tục chuẩn bị xét xử phúc thẩm;
7, Mở phiên tòa xét xử phúc thẩm.
Như vậy, căn cứ theo thông tin bạn cung cấp và theo quy định pháp luật bạn có quyền yêu cầu gia đình ông T tháo giỡ cổng để trả lại lối đi chung cho các hộ liền kề.
Trên đây là giải đáp của Luật sư đối với trường hợp của bạn, nếu bạn thắc mắc hay câu hỏi nào khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn.
LS. VH