Vay tiền là một trong những cách thức để giải quyết nhanh nhất những khó khăn kinh tế. Theo đó, khi tiến hành giao dịch này, người vay sẽ được tiếp cận với các hình thức vay khác nhau. Vậy hình thức nào là đúng theo quy định pháp luật? Nếu cho vay bằng giấy viết tay có đòi lại được không? Hãy tìm hiểu qua bài viết này của Công ty Luật Youth & Partner nhé!
1. Hợp đồng vay tài sản và hình thức của hợp đồng vay tài sản
Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Về hình thức của hợp đồng vay tài sản, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hình thức của loại hợp đồng này, tuy nhiên, hợp đồng vay tài sản và giấy mượn tiền viết tay cũng là một hình thức giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận. Do đó, căn cứ theo Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
2. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản được coi là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:
-
Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập
-
Cá nhân có thể tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng vay tài sản là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, không bị mất năng lực hành vi dân sự.
-
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 thì Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
-
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cũng có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
-
Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
-
Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
-
Đáp ứng các điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
3. Hợp đồng vay tài sản và giấy mượn tiền viết tay có gì khác nhau?
Giấy mượn tiền viết tay không vi phạm quy định của pháp luật về hình thức của hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên, thỏa thuận vay tiền chỉ hợp pháp khi nó đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện nêu trên.
Giấy vay tiền viết tay vẫn được coi là một hợp đồng dân sự bằng văn bản và vẫn có giá trị pháp lý bắt buộc, do đó giấy mượn tiền viết tay có thể dùng làm chứng cứ đòi lại khoản tiền đã cho vay. Nếu phía bên vay tiền không trả bạn có thể gửi đơn khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ.