Hỏi: Chuyện là thế này, bà ngoại em có mượn tiền và vàng của mẹ em mà đã kiện ra tòa và cũng đã xử mà ở tòa án có đưa cho mẹ 1 quyết định công nhận sự thỏa thuận của mẹ nhưng trong đó không ghi rõ thời hạn mà bà ngoại không trả tiền cho mẹ em, vậy thì nếu ngoại em đẩy đưa không muốn trả thì phải làm gì, mà trong quyết định đó bao nhiêu ngày thì hết hiệu lực?
Luật sư trả lời:
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là quyết định được ban hành căn cứ vào biên bản hòa giải thành mà sau 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành không có đương sự nào thay đối ý kiến về sự thỏa thuận đó.
Theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự có hiệu lực cho đến khi các bên hoàn thành nghĩa vụ đã thỏa thuận và được Tòa án ghi nhận trừ trường hợp bị Hội đồng Giám đốc thẩm hủy để xét xử lại.
Theo Luật Thi hành án dân sự thì với quyết định này, nếu bên có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện thì mẹ bạn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án trong thời hạn 05 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật. Nếu đã hết thời hạn 05 năm mà mẹ bạn chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiện yêu cầu thi hành án.
Đơn yêu cầu thi hành án có những nội dung chính sau đây:
a) Họ, tên, địa chỉ của mẹ bạn;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án (tức là mẹ bạn); người phải thi hành án (tức là bà ngoại của bạn và người khác nếu có);
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án phải có quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự và tài liệu khác liên quan nếu có.
Cơ quan thi hành án sẽ tiến hành các thủ tục gửi thông báo thi hành án đến đương sự và người có quyền và nghĩa vụ liên quan, niêm yết công khai, xác minh điều kiện thi hành án, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án thì có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Trong trường hợp bà ngoại bạn lấy lý do không ghi thời hạn trả nợ vì trong quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa mẹ bạn và bà bạn thì cơ quan thi hành án vẫn yêu cầu bà ngoại bạn phải có nghĩa vụ trả tiền cho mẹ bạn trong trường hợp bà ngoại bạn có tài sản để trả nợ nhưng cố tình không trả.