Tại Vĩnh Phúc, thông qua việc tư vấn pháp luật cho người dân Công ty Luật Youth & Partners nhận thấy rằng “thừa kế” luôn là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Việc phân chia di sản thừa kế được quyết định theo quy định của pháp luật hoặc theo di chúc của người để lại di sản thừa kế. Vậy trường hợp tài sản không có người thừa kế xử lý thế nào? Hãy cùng Y&P tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Như vậy, việc nhận di sản thừa kế được thực hiện theo 02 hình thức: nhận thừa kế theo di chúc và nhận thừa kế theo pháp luật:
- Nhận thừa kế theo di chúc: Là việc người thừa kế được nhận di sản theo ý chí của người để lại di chúc. Người này có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân chia phần di sản cho từng người thừa kế qua di chúc…
- Nhận thừa kế theo pháp luật: Trong trường hợp không có di chúc hoặc trường hợp có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp hoặc người được chỉ định thừa kế theo di chúc nhưng không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản… thì di sản thừa kế sẽ được chia theo quy định pháp luật.
Trường hợp không có người nhận thừa kế:
Theo quy định của Điều 622 Bộ luật dân sự 2015 thì trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.
- Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc:
+ Người để lại di sản không chỉ định ai trong di chúc để nhận di sản thừa kế
+ Không có di chúc;
+ Có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp;
+ Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Trường hợp không có người thừa kế theo pháp luật:
Trường hợp không có người thừa kế theo pháp luật là trường hợp không còn người thừa kế mà có mối quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản.
- Người thừa kế là cá nhân không là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai sau khi người để lại di sản chết.
- Trường hợp có người thừa kế nhưng thuộc các trường hợp:
+ Từ chối nhận di sản thừa kế (Điều 620 Bộ luật dân sự 2015);
+ Người không được nhận di sản thừa kế (Điều 621 Bộ luật dân sự 2015).
Như vậy, trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.