1. Home
  2. Kiến thức pháp lý
  3. Hỏi đáp luật sư

Thời hiệu khởi kiện?

Hỏi đáp luật sư

Bố mẹ tôi san lấp một phần ao hoang, năm 1992 UBND phường thu hồi đất làm đường qua phần diện tích bố mẹ tôi san lấp và gia đình tôi được bồi thường hoa màu trên đất. Phần diện tích còn lại bố mẹ tôi vẫn trồng cây hàng năm. Đến năm 2007, UBND phường giao phần diện tích đất đó cho người khác làm nhà ở và bảo đó là ao được UBND phường quản lý nhưng bố mẹ tôi không nhất trí với cách giải quyết của UBND phường. Bố mẹ tôi tiếp tục gửi đơn khiếu nại vào ngày 15/4/2008 lên UBND thành phố nhận được quyết định giải quyết khiếu nại vào ngày 08/6/2008 với nội dung là: “… đã hết thời hiệu giải quyết vì việc thu hồi đất xảy ra năm 1992”. Vậy tôi xin hỏi căn cứ vào đâu để biết gia đình tôi hết thời hiệu giải quyết khiếu nại? Và cách trả lời của UBND thành phố như trên có đúng không?

Trả lời:

Theo thông tin bạn cung cấp, do bạn không nêu rõ bố mẹ bạn khiếu nại quyết định hành chính nào? Quyết định thu hồi đất năm 1992 hay quyết định thu hồi đất năm 2007, do đó, chúng tôi xin chia thành 2 trường hợp như sau:

  - Trường hợp 1: Bố mẹ bạn khiếu nại quyết định thu hồi đất năm 1992 thì theo quy định về thời hiệu khởi kiện tại Bộ luật Dân sự năm 2005 và Pháp lệnh Thủ tục giái quyết các vụ án hành chính thì đã hết thời hiệu khởi kiện và UBND thành phố trả lời như trên là đúng.

  - Trường hợp 2: Bố mẹ bạn khiếu nại quyết định thu hồi đất năm 2007, do bạn không nêu rõ thời điểm là ngày tháng nào năm 2007 nên chúng tôi xin đưa ra quy định pháp luật như sau để bạn tham khảo và đối chiếu:

    Trước đây theo quy định của pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì thời hiệu khiếu kiện hành chính là 30 ngày hoặc 45 ngày tuỳ từng trường hợp. Hiện nay, theo Luật Tố tụng hành chính thì thời hiệu khởi kiện được tính căn cứ vào nội dung đơn kiện. Theo quy định tại Điều 104 Luật Tố tụng hành chính, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Theo đó, thời hiệu khởi kiện hành vi hành chính về đất đai theo Luật Đất đai; thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc...

 Tuy nhiên, Điều 3 Nghị quyết số 56/2010/QH12 về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính cũng quy định cho những trường hợp trước khi Luật Tố tụng Hành chính có hiệu lực. Cụ thể, theo quy định tại điều này thì: “Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đât đai đến Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 01/6/2006 đến ngày luật này có hiệu lực, nếu khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại Toà án nhân dân theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”. 

   Như vậy, nếu bạn đối chiếu kể từ thời điểm bố mẹ bạn nhận thấy quyết định hành chính, hoặc hành vi hành chính của UBND về việc giao đất khai hoang của bố mẹ bạn cho người khác làm nhà ở là vi phạm quyền lợi hợp pháp của bố mẹ bạn đến thời điểm bố mẹ bạn có khiếu nại đã quá 1 năm thì UBND thành phố trả lời như vậy là đúng, nếu chưa quá 1 năm thì UBND thành phố trả lời như vậy là sai. Riêng về vấn đề UBND phường giao diện tích đất khai hoang của bố mẹ bạn cho người khác làm nhà ở, mặc dù bạn không nêu rõ đất đó bố mẹ bạn khai hoang và bắt đầu sử dụng từ năm bao nhiêu, nhưng thời điểm năm 1992 UBND phường thu hồi một phần diện tích đất đó để làm đường và có bồi thường hoa màu cho bố mẹ bạn. Như vậy, có thể khẳng định đất đã được sử dụng từ trước năm 1992 và có đóng thuế. Về vấn đề này, pháp luật đất đai quy định như sau:

Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá  nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:

a) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;

c) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;

d) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

đ) Giấy tờ về thanh lý, hoá giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;

e) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.

…………….

4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Việc xác định là đất sử dụng ổn định theo quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai nêu trên được hướng dẫn chi tiết tại Điều 3 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ, quy định cụ thể như sau: Điều 3. Đất sử dụng ổn định quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật Đất đai 1. Đất sử dụng ổn định quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật Đất đai là đất đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:a) Đất đã được sử dụng liên tục cho một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận hoặc đến thời điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận;b) Trường hợp đất đã được sử dụng liên tục quy định tại điểm a khoản này mà có sự thay đổi về người sử dụng đất và sự thay đổi đó không phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất.2. Việc xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được căn cứ vào ngày tháng năm sử dụng và mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau:

a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;c) Quyết định hoặc bản án của Toà án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hoà giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có đất;

đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;

e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú đài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh có ghi địa chỉ của nhà ở liên quan đến thửa đất;

g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;

h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan (không cần có chứng nhận của cơ quan, tổ chức);

i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;

k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thỉ phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần tham khảo chính sách đât đai ở địa phương bạn và đất bố mẹ bạn khai hoang thuộc loại đất gì để xem xét.


HÃY GỌI 088 995 6888 ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Thời gian – Tận tâm – Tận lực
Hotline: (+84) 88 995 6888
Email: thanhnv@vinhphuclawyers.vn | vinhphuclawyers.vn
Địa chỉ: 170 Nguyễn Văn Linh, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc