Câu hỏi:
Lúc 4:30 sáng một ngày đông tháng 12/2020 tại 1 con đường quốc lộ nhỏ ở vùng quê (mặc dù là Quốc lộ nhưng đường nhỏ chỉ đủ cho 2 xe tải tránh nhau), Ông A đi bộ lên nhà 1 người họ hàng để phụ giúp gia đình lo đám cưới cho con trai (là cháu của ông A). Lúc này trời vẫn tối, một chiếc xe máy (tiểu thương đi chợ sớm) đi cùng chiều, từ phía sau lao tới và đâm phải ông A, ông A ngã xuống rìa đường và chết trên đường đi cấp cứu.
Con đường này không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và cũng không có đèn đường. Ông A không uống rượu và không ở trong trạng thái tinh thần bị kích động, căng thẳng (buồn bã, lo âu, uất ức, chán đời) hay bị các bệnh về tâm thần, bệnh làm mất/hạn chế khả năng điều khiển hành vi nhé.
Kết luận của Cơ quan Công an là ông A không quan sát, không ra tín hiệu xin đường, đột ngột sang đường nên đã gây tai nạn cho xe máy và gây tử vong cho chính mình.
Căn cứ kết luận của Công an, phía bảo hiểm MAP đã từ chối bồi thường vì cho rằng trường hợp này thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Mặc dù biết kết luận của Công an có vấn đề, nhưng tạm chưa bàn tới kết luận đó, xin Luật sư tư vấn: nếu kết luận của Công an là đúng thì trường hợp này phía Công ty bảo hiểm MAP đã giải quyết đúng chưa?
Tôi xin gửi kèm toàn bộ Hợp đồng bảo hiểm, kết luận công an để Luật sư xem xét.
Luật sư trả lời:
Trường hợp này, trước tiên tôi rất thông cảm với hoàn cảnh gia đình bạn, sau khi xem xét kỹ lưỡng các tài liệu, tôi xin phép có quan điểm như sau:
Trước tiên, để phân tích vụ việc thì ta cùng tìm các cơ sở pháp lý, tạm không xét tới điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm bởi nếu nó trái luật thì cũng không có giá trị thi hành, ta lấy cơ sở pháp lý nằm ngay trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung 2019, cụ thể:
Điều 16. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xẩy ra sự kiện bảo hiểm.
2. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.
3. Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý;
Vậy, chúng ta có Quan điểm vững chắc số 1:
“Không phải vi phạm pháp luật nào cũng nằm trong các trường hợp bị loại trừ mà CHỈ CÓ vi phạm pháp luật do lỗi cố ý thì mới bị loại trừ, còn các vi phạm pháp luật DO VÔ Ý như quy định tại Điều 16.3.a thì sẽ không bị áp dụng điều khoản loại trừ.”
Nhưng lỗi cố ý, lỗi vô ý là gì?
Chúng ta lại tiếp tục trích dẫn cơ sở pháp lý nằm trong Bộ luật dân sự 2015:
Điều 364. Lỗi trong trách nhiệm dân sự
Lỗi trong trách nhiệm dân sự bao gồm lỗi cố ý, lỗi vô ý.
Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Vì vi phạm quy định GTĐB cũng có khả năng bị xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành, do vậy chúng ta trích thêm cơ sở pháp lý nằm trong Bộ luật hình sự 2015:
Điều 10. Cố ý phạm tội
Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Điều 11. Vô ý phạm tội
Vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Dễ dàng nhận thấy, khái niệm cố ý, vô ý trong Dân sự và Hình sự khá tương đồng và cũng không quá khó để phân biệt.
Phân tích tình huống:
Ông A lên nhà người quen lúc 4h30 sáng, đây là con đường nơi ông sống và qua lại hằng ngày (mặc dù là Quốc lộ nhưng đường nhỏ chỉ đủ cho 2 xe tải tránh nhau), đường lúc đó đương nhiên là vắng vẻ, lúc này trời vẫn rất tối, đường không có đèn, không có vạch kẻ cho người đi bộ sang đường, không có đèn tín hiệu. Về gia đình ông, mọi người đang chung sống hòa thuận, vui vẻ, bình thường, ông A đang ở trong trạng thái hân hoan, phấn khởi trong ngày vui của gia đình, ông lên sớm để phụ giúp gia đình. Ông A cũng không bị các bệnh về tâm thần, bệnh làm mất/hạn chế khả năng điều khiển hành vi..
Chúng ta cùng thử trả lời các câu hỏi sau để làm rõ lỗi của ông A là cố ý hay vô ý:
Câu 1: Ông A sang đường ở trong một hoàn cảnh như vậy là ông đã nhận thức rõ hành vi của ông là nguy hiểm hoặc sẽ gây TNGT cho người khác?
Đáp theo quan điểm cá nhân:
Nếu các bạn sống ở thành thị, nơi phố xá tập trung đông người, mật độ giao thông đông đúc, ô tô xe máy chen chúc thì có thể các bạn có thể thấy hành vi sang đường không theo vạch kẻ cho người đi bộ, không tuân thủ tín hiệu đèn… là khá nguy hiểm; còn với những người dân sống ở nông thôn, nơi mật độ dân cư thưa thớt thì các bạn cần lưu ý rằng những con đường nơi đó không có vạch kẻ, không có đèn tín hiệu, càng không có đèn đường và đương nhiên là không có cầu vượt cho người đi bộ sang đường, càng về khuya thì đường lại càng vắng, thi thoảng chỉ có vài chiếc xe giường nằm hay xe đường dài chạy qua. Người dân ở đó dù ngày hay đêm cũng sẽ đi bộ sang đường ở bất cứ đoạn đường nào có thể khi có nhu cầu băng qua đường, việc đi bộ sang đường ở nông thôn với người dân ở đó là quá bình thường, là việc làm hằng ngày của họ, việc họ cần làm duy nhất khi sang đường là quan sát và đương nhiên họ chẳng bao giờ phải quan tâm tới vạch kẻ hay đèn tín hiệu gì cả. Do vậy, để kết luận rằng ông A hay bất cứ người dân nào ở đó nhận thức được việc sang đường ở vị trí xảy ra tai nạn của ông A là nguy hiểm và có thể gây tai nạn cho người khác thì hơi khiên cưỡng. Tuy nhiên, cứ tạm chấp nhận như thế, ta đi sâu vào 2 câu hỏi sau.
Câu 2: Ông A dù nhận thức được hành vi nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện hành vi và mong muốn vụ TNGT đó xảy ra?
Đáp theo quan điểm cá nhân:
Cái này thì không đúng, tôi không nghĩ ông A mong muốn vụ TNGT xảy ra với mình. Thật khó để kết luận được như vậy, ai có thể nghĩ ông A mong muốn bị tai nạn trong khi ông đang trên đường đi phụ giúp gia đình người họ hàng với 1 tinh thần hân hoan? Gia đình ông cũng đang thuận hòa, không có vấn đề gì cả, tại sao ông A lại muốn mình bị tai nạn?
Câu 3: Dù nhận thức được hành vi nguy hiểm, tuy không mong muốn nhưng ông A để mặc cho vụ TNGT xảy ra với chính ông.
Đáp theo quan điểm cá nhân:
Đó là hành động buông thả bản thân, thường chỉ xảy ra khi con người ta đang rơi vào những nghịch cảnh, khi người ta đang gặp những bất ổn lớn về tâm lý. Kiểu như đang thất tình, thua cá cược, nợ nần, cờ bạc, bị bệnh nan y… họ không thiết sống nữa nhưng cũng không mong muốn hoặc không dũng cảm tìm đến cái chết.
Ví dụ, nếu đang ở trong trạng thái đó, một người có thể đi giữa đường như người mất hồn, người đó hoàn toàn có thể nhận biết được rằng: việc đi giữa đường như vậy thì khả năng bị xe tông sẽ rất cao, tuy nhiên, họ sẵn sàng để mặc cho hậu quả ấy có thể xảy ra với mình, dù thế nào họ cũng chấp nhận, họ suy nghĩ và nhận thức được tình huống nguy hiểm và họ chấp nhận mọi khả năng có thể xảy ra, nếu may mắn không bị xe tông thì họ về nhà bình thường, còn nếu đen đủi bị xe tông thì họ có thể sẽ chết, nhưng không sao cả, họ chấp nhận cả 2 kịch bản đó.
Trở lại với trường hợp này, ông A đang đi tới 1 đám hỷ, tôi chưa thấy bất cứ lý do nào dẫn đến việc ông A phải buông thả bản thân phải gặp nguy hiểm như đã phân tích ở trên.
Chắc không ai nghĩ ông A sang đường và dự liệu được việc mình có khả năng cao sẽ bị xe đâm nhưng ông cứ mặc kệ khả năng đó xảy ra và cứ tiếp tục đi sang đường.
Như vậy,
Căn cứ vào khái niệm lỗi cố ý theo Luật định, để kết luận được lỗi của ông A là cố ý thì chúng ta đều hiểu là phải xảy ra 1 trong 2 trường hợp:
Trường hợp 1. Câu 1 và 2 có đáp án là đúng, tức là:
Ông A nhận thức được rõ nguy hiểm nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy ra
Trường hợp 2. Câu 1 và 3 có đáp án là đúng, tức là:
Ông A nhận thức được rõ nguy hiểm, mặc dù không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Tôi cho rằng cả 2 trường hợp đều không đúng, đều khó có thể xảy ra. Như vậy, dễ thấy rằng, ở những điều kiện, hoàn cảnh, không gian, thời gian trên (khi ông A đang không ở trong trạng thái tinh thần bị kích động, căng thẳng (buồn bã, lo âu, uất ức, chán đời), không uống rượu (đã có kết luận khám nghiệm khẳng định điều này), không có cơ sở cho rằng ông A có ý định tự tử hay cố ý gây tổn hại cho tính mạng, sức khỏe của mình), quá khó để xác định rằng ông A vi phạm pháp luật với lỗi cố ý.
Tôi xin đưa ra Quan điểm số 2:
Lỗi của ông A trong trường hợp này khả năng cao là lỗi vô ý.
Bởi căn cứ tài liệu vụ việc, tôi cho rằng, 2 trường hợp sau đây mới là khả thi và phù hợp với tình huống này:
Trường hợp 1: Ông A đã không thấy hành vi sang đường của mình là nguy hiểm mặc dù phải biết; HOẶC
Trường hợp 2: Ông A đã thấy trước hậu quả của việc sang đường là nguy hiểm nhưng ông cho rằng vụ TNGT sẽ không xảy ra với mình (vì nhiều lý do: đường vắng, ông tin rằng các phương tiện nếu có có thể tránh được mình hoặc chính ông sẽ tránh được các phương tiện (nếu có)…),
Như mọi người đã biết, việc đi bộ sang đường ở quê là chuyện thường ngày, việc quan sát là thói quen, trong lý thuyết lỗi vô ý ở pháp luật hình sự thì có 2 khái niệm: Vô ý do cẩu thả và vô ý vì quá tự tin. Tôi cho rằng trường hợp này là “vô ý vì quá tự tin”.
Thật đáng tiếc là điều ông A không mong muốn đã xảy đến, ông đã bị tai nạn và để lại nhiều nỗi đau cho những người ở lại, nỗi đau tăng lên khi Bảo hiểm nhân thọ từ chối chi trả.
Tất nhiên là người đã chết thì việc xác định lỗi vô ý, cố ý thường sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, với những điều kiện, hoàn cảnh, không gian, thời gian xảy ra như ở tình huống này, cá nhân tôi nhận định ông A chỉ có lỗi vô ý. Ông A không hề mong muốn mình bị tai nạn và càng không có ý thức sang đường mặc kệ xem có xe nào lao tới mình hay không.
Tôi tin rằng các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ công minh và sáng suốt nếu vụ việc này được đưa ra xét xử.
Có khả năng cao trường hợp của ông A không nằm trong các trường hợp bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Phía cơ quan bảo hiểm đưa ra quyết định không bồi thường khi chưa xác minh kỹ là hơi vội vàng. Nếu bạn chưa tìm được đơn vị nào hỗ trợ, Công ty Luật của chúng tôi có thể đứng ra bảo vệ miễn phí cho trường hợp này của bạn.
Luật sư Nguyễn Văn Thành, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Youth & Partners
Lưu ý: bài viết là quan điểm về 1 tình huống pháp lý cụ thể, nó không nên được coi là một nguồn tài liệu pháp lý để áp dụng rộng rãi cho mọi trường hợp. Chúng tôi không chịu trách nhiệm cho hậu quả của bất kỳ sự sao chép, trích dẫn, áp dụng, vận dụng nào với các quan điểm trong bài viết này.